Nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp chiếm đến 70 - 80% nhu cầu của người dân. Song, việc phát triển loại hình nhà ở này thời gian qua còn nhiều hạn chế, cung không theo kịp cầu.
Để hóa giải vấn đề này, thời gian qua, Nhà nước xác định đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong ba khâu đột phá của ngành xây dựng. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã chỉ đạo các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan tập trung đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án nhà ở xã hội...
Nhiều gói chính sách hỗ trợ
Cụ thể, ngày 1/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP để cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đầu năm 2022, Quốc hội đã có Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó bố trí 2 gói hỗ trợ cho nhà ở xã hội cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Bộ Xây dựng cũng có đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp, khu chế xuất với các nội dung:
Một là, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trong đó cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.
Hai là, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.
Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm của chính quyền Nhà nước trong việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đảm bảo giải quyết bài toán cấp thiết về nhà ở cho tầng lớp người lao động, người có thu nhập thấp trong xã hội.
Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành thông qua các gói hỗ trợ cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phân khúc này đã và đang được đẩy mạnh triển khai nhằm đưa ra thị trường nguồn cung lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước mới chỉ hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô 142.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 sàn, đạt 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Riêng năm 2021, có 17 dự án hoàn thành, với 27.800 căn hộ, gần 1,4 triệu m2 sàn.
Như vậy, việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn rất chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc cả về thể chế chính sách và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, những gói hỗ trợ nói trên chưa được giải ngân kịp thời cũng là một vướng mắc lớn.
Khu nhà ở giá rẻ Pruksa do Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy đầu tư xây dựng tại xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng. Ảnh: Danh Lam
Theo nhu cầu hoặc cần gói 65.000 tỷ đồng hoặc là phải 8.000 tỷ đồng giúp khắc phục lãi suất chênh lệch, như vậy mới mong thị trường nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đáp ứng được định hướng của Chính phủ, của các địa phương. Vì vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn này cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân cách gói hỗ trợ.
Thứ nhất, để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế hùn vốn giá rẻ với mức cho vay khoảng 5%/năm thì thời gian cho vay phải từ 15 năm trở lên, người dân mới có thể tiếp cận được.
Thứ hai, cơ chế nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần rõ hơn. Cụ thể, đối tượng công nhân phải là đối tượng cho thuê dài hạn hoặc ngắn hạn chứ không phải để mua dài hạn.
Chính vì vậy, cần có cơ chế đặc thù hơn để đảm bảo nhà ở công nhân, đặc biệt là nhà ở công nhân ở các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương thì mới giải quyết được bài toán căn cơ về nhà ở công nhân. Trong đó, đặc biệt là các chính sách đồng hành của chính quyền địa phương tại các dự án khu công nghiệp.