Như đã thông tin, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nan, nguyên nhân chính của hiện tượng sốt đất là bởi, khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng tăng 15-20%; Nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án BĐS, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu. Đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh; Lãi xuất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.
Đó là tình hình diễn ra trong các tháng của quý 1, còn hiện tại cơn sốt đất đã có dấu hiệu "giảm nhiệt" trên diện rộng, một số khu vực nóng sốt đã có hiện tượng NĐT khó bán ra, thậm chí bán giảm giá.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến người dân có xu hướng tích lũy tài sản mà việc đầu tư vào BĐS được xem là "hầm trú ẩn" an toàn bởi kênh đầu tư này có giá trị tăng trưởng tốt trong dài hạn. Theo tâm lý chung của đại đa số người Việt, BĐS được ưa chuộng hơn các loại hình đầu tư khác như chứng khoán và ngoại tệ bởi đầu tư vào nhà đất không yêu cầu cao về phân tích, phán đoán về thị trường như các kênh đầu tư còn lại. Lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động ngân hàng vẫn có xu hướng tiếp tục giảm. Do đó, thị trường BĐS vừa đón nhận thêm lượng vốn đầu tư từ dòng tiền nhàn rỗi trong người dân dẫn đến sức mua cao. Qua đó đẩy mức giá BĐS tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc đầu tư vào đất nền không mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Do vậy, các nhà đầu tư cần nhiều thời gian để phát triển đất thành dự án BĐS hoặc chờ giá trị của thửa đất gia tăng. Từ đó, thị trường trong giai đoạn gần đây có dấu hiệu chững lại.
Cùng với đó, việc chính quyền nhiều địa phương tăng cường quản lý trong thời gian qua cũng khiến thị trường có dấu hiệu được điều tiết. So với các thời điểm sốt đất trước, nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm và tỉnh táo hơn khi quyết định "xuống tiền".
Còn theo ông Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group có 3 nguyên nhân khiến cơn sốt đất giảm nhiệt nhanh chóng.
Thứ 1, sự phản ánh, cảnh báo dồn dập trên các phương tiện truyền thông khiến cho nhiều nhà đầu tư cảnh giác không lao vào cơn sốt đất, không có dòng vốn để tiếp tục thanh khoản, ra hàng khiến cơn sốt đất bị chặn đứng. So với các thời điểm sốt đất trước, nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm và tỉnh táo hơn khi quyết định.
Thứ 2, các địa phương sốt đất trong thời gian qua đều gắn với thông tin quy hoạch chưa rõ ràng, chỉ qua lời "đồn thổi của cò đất" nên khi chính quyền vào cuộc xác minh, tăng cường quản lý và thông tin minh bạch khiến nhà đầu tư "vỡ mộng". Để hạn chế sốt đất, cơ quan quản lý đã siết tín dụng BĐS, thanh kiểm tra việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sự dụng đất ruộng, đất rừng... Các tỉnh thành cũng có có xu hướng giám sát các biến động giá giao dịch đất đai khi bị đặt vấn đề quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nếu đất tăng nóng. Khi nhà nước quản lý chặt và đưa ra các cảnh báo, nhà đầu tư cũng bắt đầu bình tĩnh khiến thị trường giảm nhiệt hơn.
Thứ 3, giá ở "đỉnh chu kỳ" của cơn sốt đất liên tục bị thổi phồng lên gấp nhiều lần so với giá trị thực chỉ trong thời gian ngắn với mục đích chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Và khi không phản ánh nhu cầu thực, nguồn "cầu" nhanh chóng bị đứt gãy thì cơn sốt dừng lại là điều tất yếu.