Ðường Vành đai 4: Đầu tư trên 100 nghìn tỷ đồng, thi công trong 4 năm

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Bộ GTVT và 3 tỉnh lân cận vừa họp và đi đến thống nhất cùng thúc đẩy dự án đường Vành đai 4. Với tổng mức đầu tư trên 100 nghìn tỷ đồng, Hà Nội đề xuất triển khai ngay dự án trong lộ trình 4 năm.

Đường vành đai 3 là làn đường được thiết kế theo chuẩn cao tốc, phương tiện ô tô được được phép lưu thông đến 100 km/h tuy nhiên để đạt được tốc độ này khi tham gia giao thông ở đường Vành đai 3 trên cao là điều không tưởng.

PV có mặt trên tuyến đường này vào thời điểm 9h sáng 13/5, mặc dù đã hết giờ cao điểm nhưng phương tiện lưu thông cả hai chiều ở đường trên cao Vành đai 3 vẫn nối đuôi nhau di chuyển với vận tốc dưới 10 km/h.

Thậm chí tại đoạn qua các nhánh đường kết nối dẫn xuống các nút giao như Thanh Xuân, Trung Hòa (Big C)… các dòng ô tô, trong đó có nhiều ô tô tải, ô tô khách và container chạy liên tỉnh xếp thành hàng nối đuôi nhau bò trên đường.

Với đường dẫn lên đường trên cao Vành đai từ phía đại lộ Thăng Long, do đường trên cao ùn tắc, các hàng dài xe tải, container lưu thông theo hướng đại lộ Thăng Long - QL1, QL5 còn nối đuôi nhau dài cả trăm mét, việc này kéo theo ùn tắc cho các tuyến đường bên dưới như Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng...

Ðường Vành đai 4: Đầu tư trên 100 nghìn tỷ đồng, thi công trong 4 năm - Ảnh 1.
Bản đồ đường Vành đai 4 dài 98 km, đi qua 4 tỉnh, thành

Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, nguyên nhân phương tiện đi chậm và không đạt được tốc độ thiết kế tại đường Vành đai 3 nói chung và đường Vành đai 3 trên cao nói riêng là do mật độ phương tiện quá lớn.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tuyến đường Vành đai 3 trên cao có thiết kế công suất cho 15.000 lượt xe lưu thông/ngày; tuy nhiên sau 10 năm được đưa vào sử dụng, hiện tuyến đường này đang có lượng phương tiện lưu thông trung bình 55.000 xe/ngày (vượt thiết kế 4 lần); riêng đoạn qua cầu Thanh Trì là 120.000 lượt xe/ngày (vượt 9 lần).

Về việc Hà Nội, Bộ GTVT và 3 tỉnh lân cận thống nhất cùng sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 theo quy hoạch, TS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn đánh giá: “Tôi xem đây là bước đột phá trong việc phát triển hạ tầng giao thông và tạo liên kết phát triển kinh tế vùng. Với Hà Nội, việc này giúp thành phố giảm lưu phương tiện liên tỉnh đi vào các tuyến đường nội đô, trong đó có đường Vành đai 3”.

Thi công trong 4 năm

Sau khi thống nhất triển khai, Bộ GTVT và 4 tỉnh thành gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang đã ký thỏa thuận cùng có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án, lộ trình triển khai.

Theo đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô và Quyết định phê duyệt quy hoạch tuyến đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Vành đai 4 nằm ở phía Nam Quốc lộ 18 có điểm đầu là cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); Điểm cuối tuyến tại đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Toàn tuyến có tổng chiều dài 98 km, đi qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội (54 km); Hưng Yên (23km); Bắc Ninh (21 km); mặt cắt lòng đường rộng 120m. Với đoạn đi qua Hà Nội, tuyến đường đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông, trên tuyến có hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở. Tổng mức đầu tư theo Quyết định số 1287 của Thủ tướng Chính phủ là 66.500 tỷ đồng, Bộ GTVT được giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án này đến năm 2020, với đoạn qua Hà Nội xong trong năm 2018.

Với lý do gặp khó khăn về việc huy động vốn và các tỉnh có liên quan chậm xây dựng các kế hoạch triển khai tuyến đường đi qua địa phương mình nên đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai (chậm 10 năm).

Tổng mức đầu tư theo Quyết định số 1287 của Thủ tướng Chính phủ là 66.500 tỷ đồng, Bộ GTVT được giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án này đến năm 2020, với đoạn qua Hà Nội xong trong năm 2018.

Trước thực tế trên, với mong muốn sớm phát huy mục tiêu của tuyến đường, trong đề xuất triển khai dự án, thành phố Hà Nội đã bổ sung thêm thiết kế làm thêm làn đường cao tốc đi trên cao ở giữa để tăng thêm hiệu quả khai thác, cùng với đó hoàn thiện các cầu vượt, nút giao thông kết nối.

Do vậy tổng mức đầu tư tuyến đường dao động từ 105.000 tỷ đồng đến khoảng 135.000 tỷ đồng. “Nếu được Chính phủ đồng ý giao triển khai, thành phố Hà Nội sẽ đưa vào kế hoạch sử dụng vốn giai đoạn 2021 - 2025 và dự kiến triển khai dự án trong 4 năm”, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết.

Do nguồn vốn lớn không thể sử dụng vốn đầu tư công vì vậy thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ cho thực hiện dự án bằng hình thức xã hội hóa PPP, hợp đồng BOT.

Chiều 13/5, cho ý kiến về đề xuất của thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng 3 phương án đầu tư tuyến và giao cho Ban Quản lý dự án 2 (PMU2) phụ trách công tác chuẩn bị đầu tư.

Bộ GTVT cho biết, cuộc họp giữa Bộ GTVT và 4 tỉnh thành vừa qua thống nhất theo hướng báo cáo Chính phủ để thành phố Hà Nội thực hiện dự án. Hiện Bộ GTVT đã yêu cầu PMU2 làm việc với Sở GTVT và các địa phương rà soát lại thực tế, chốt lại các phương án thi công để Bộ GTVT xem xét, quyết định.