Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, dọc Xa lộ Hà Nội, TP.Thủ Đức có khoảng 60 khu đất với tổng diện tích khoảng 200 ha do Nhà nước quản lý, đa số hiện được sử dụng làm kho bãi. Nếu tổ chức bán đấu giá những khu đất này, thành phố sẽ thu được nguồn thu rất lớn, bổ sung vào ngân sách, phát triển các dự án giao thông hạ tầng cấp bách.
Một phương án tiếp theo đó là thành phố có thể khai thác quỹ đất dọc hai bên đường trục các tuyến. Chẳng hạn, tại dự án đường Vành đai 3, TP.HCM đã rà soát sơ bộ quỹ đất, vùng phụ cận dọc tuyến đường thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi có quỹ đất nông nghiệp 2.413,4 ha, trong đó khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý, có thể khai thác bán đấu giá khoảng 27.000 tỷ đồng.
Mặc dù chủ trương đấu giá để tăng vốn ngân sách đã có, nhưng sau sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm vào cuối năm ngoái đến nay, TP.HCM vẫn chưa có vụ đấu giá đất công nào được tiến hành.
Theo các chuyên gia kinh tế và pháp luật, đấu giá quyền sử dụng đất cần phải được nhìn nhận theo hướng cởi mở và đúng đắn hơn, để phát huy nguồn lực từ đất đai và có các giải pháp phù hợp, để việc đấu giá đất là giải pháp khai thác nguồn lực một cách hiệu quả.
“Không vì sự kiện ở Thủ Thiêm và một số sự việc khác có thể sẽ xảy ra mà chúng ta không thực hiện đấu giá đất. Vì thực tế, đấu giá quyền sử dụng đất mang lại nhiều lợi ích, khắc phục tình trạng giao đất theo cơ chế xin – cho tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.
Đấu giá còn là hình thức hiện thực hóa nguồn lực to lớn để phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, những cuộc đấu giá đất thành công thì Nhà nước thu được tiền từ các cuộc đấu giá tăng lên gấp 2- 3 lần so với giá khởi điểm”, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật, Đại học Luật Hà Nội phân tích./.