Sàn bất động sản cấu kết "ôm hàng"
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2022. Theo Bộ Xây dựng, sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19, cuối năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại. Lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần.
Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động, trong khi đó quý 4/2021 chỉ có 400 sàn.
Bộ Xây dựng đánh giá, năm 2022 thị trường sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn dù vẫn có thể phải đối diện với thách thức. Dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động giao dịch vẫn diễn ra, quan trọng hơn các sàn giao dịch bất động sản đã có kinh nghiệm và được sàng lọc qua tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại. Trong đó, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chưa đảm bảo việc quản lý tốt các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản. Hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản cấu kết với nhau "ôm hàng", làm giá, tạo sóng, thổi giá gây sốt ảo để ăn chênh lệch, làm nhiễu loạn thị trường.
Việc tách thửa, phân lô bán nền tại một số địa phương chưa theo đúng quy định của pháp luật. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến trật tự xây dựng, ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị, khu dân cư của các địa phương.
Bên cạnh đó, hiện nay thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung ở các phân khúc. Số lượng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đều hạn chế và có xu hướng giảm.
Giá nhà ở, đất ở tăng cao so với thu nhập của người dân. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2.
Tại một số địa phương còn tình trạng đấu quyền sử dụng đất có biểu hiện bất thường, đấu giá cao rồi bỏ cọc có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản như: tạo mặt bằng giá đất cao, tác động làm tăng giá bất động sản, nhà ở lân cận so với thực tế thị trường. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư và công tác thu hồi, bồi thường, triển khai thực hiện dự án của các địa phương.
Ngoài ra vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản trong thời gian gần đây chưa tuân thủ quy định của pháp luật tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản.
Một số giải pháp ổn định thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện một số giải pháp để ổn định thị trường.
Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn.
Bên cạnh đó, công khai minh bạch thông tin việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa không đúng quy định, phân lô, bán nền tại các khu vực không có quy hoạch, chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Thực hiện rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
#/san-giao-dich-bat-dong-san-cau-ket-om-hang-thoi-gia-an-chenh-lech-20220430131104605.chn