Đất gần các dự án lớn tăng giá mạnh
Năm năm trước, đất mặt đường ở Hà Sen, Thị trấn Cát Bà (Cát Hải) có giá bán khoảng 15-20 triệu đồng/m2 thì đến nay những lô đối diện dự án Cát Bà Amatina của Vinaconex giá rao bán dao động từ 54-60 triệu đồng/m2. Theo người dân địa phương, các lô biệt thự trong chính dự án Cát Bà Amatina cũng đang được chào bán ở mức 50-55 triệu đồng/m2 nên giá đất bên ngoài ở những lô cận kề dự án có mức giá đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn mềm so với đất mặt tiền gần các bãi tắm, thuộc đường Núi Ngọc - một trong những điểm du lịch quan trọng của thị trấn Cát Bà. Những lô thuộc đường Núi Ngọc, gần dự án Flamingo Cát Bà được giao dịch ở mức giá 80-90 triệu đồng/m2. Hay đất mặt đường Tùng Dinh được rao bán ở mức 70-78 triệu đồng/m2, đất mặt đường 1/4 được rao bán 55-75 triệu đồng/m2, đất mặt đường 356 giá chào bán 45-60 triệu đồng/m2…
Đất gần các dự án lớn ở Cát Bà tăng giá mạnh trong khoảng 5 năm gần đây
Cùng biên độ thời gian, đất ở những vị trí không đắc địa bằng những vị trí trên ở Cát Bà cũng thiết lập mặt bằng giá mới. Cụ thể, đất mặt đường Trân Châu (thị trấn Cát Bà), giá đã tăng từ mức 13-17 triệu đồng/m2 của 5 năm trước lên mức 30-35 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại. Đất mặt đường Cái Bèo cũng tăng từ mức 10-15 triệu đồng/m2 lên mức 25-30 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Áng Sỏi đang được chào bán 35-40 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với mức giá 17-20 triệu đồng/m2 của 5 năm trước… Những lô đất nằm ở cái vị trí đường nhỏ thuộc thị trấn Cát Bà cũng ghi nhận tăng gấp đôi từ 3-4 triệu đồng/m2 lên mức 6-8 triệu đồng/m2.
Thị trường chưa bị làm ảo
Anh Bùi Tiến, môi giới nhà đất tại thị trấn Cát Bà cho biết, nhiều năm trước do giao thông cách trở nên dù là vùng đất tiềm năng nhưng bất động sản Cát Bà không nằm trong điểm ngắm của giới đầu cơ, đầu tư Hà Nội, Quảng Ninh và cả các nhà đầu tư địa phương. Cũng theo anh Tiến, tháng 9/2017, dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện được thông xe, giao thông thuận tiện hơn nhưng vẫn chưa tạo được đà bật mạnh với bất động sản Cát Bà nói riêng và Cát Hải nói chung. Ở thời điểm này, đất bắt đầu tăng giá nhưng vẫn khá nhẹ nhàng với mức tăng trung bình ở một vị trí đẹp, đắc địa là khoảng 10-15%/năm. Cá biệt một số vị trí trung tâm du lịch, kinh doanh buôn bán sầm uất, mức tăng mới đạt 20%/năm. Những vị trí đường nhỏ, sâu bên trong, giá biến động không đáng kể. Thế nhưng, kể từ khi các ông lớn như Vingroup, Sungroup, Vinaconex… chọn Cát Bà để phát triển bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, giá bất động sản bắt đầu tăng mạnh.
Đồng quan điểm với anh Bùi Tiến, anh Nguyễn Đức Ngọc, môi giới bất động sản tại thành phố Hải Phòng thừa nhận bất động sản Cát Bà thực sự tăng mạnh trong khoảng 3 năm gần đây. Lúc này thị trường được chia đều cho các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Hà Nội, Quảng Ninh và nhà đầu tư địa phương.
Nhà đầu tư Phạm Cao Nguyên (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thị trường bất động sản thị trấn Cát Bà tăng giá đều những năm gần đây nhưng chưa rơi cảnh sáng chiều một giá. Thị trường chưa xuất hiện tình trạng sốt ảo một phần do lực lượng đầu tư, môi giới, đặc biệt là giới đầu cơ, tay to “mải miết” ở thị trường Quảng Ninh kề cạnh. Bản thân ông Nguyên và bạn bè nhiều năm gần đây tập trung chính ở thị trường Quảng Ninh và ven Hà Nội. Khi nhóm ông đổ về Cát Bà thì các nhà đầu tư địa phương và người dân địa phương đã chào giá cao, cơ hội mua vùng giá thấp không còn. Ngoài ra, theo ông Nguyên, tiềm năng của bất động sản Cát Bà còn lớn, giá đất những vị trí bám biển hay các địa danh du lịch mới chỉ bằng 1/3 đến 1/2 những thị trường nghỉ dưỡng lớn như Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa)… nên rất nhiều nhà đầu tư vẫn đang găm hàng trong trung và dài hạn, đợi thị trường bật tăng mạnh mẽ thì mới xả hàng. Ông Nguyên cho rằng rất có thể vào thời điểm đó, Cát Bà sẽ xuất hiện những đợt sốt ảo.
Duy Bách