Đất nền đã giảm giá, vì sao nhà đầu tư bất động sản vẫn chưa xuống tiền?

Hiện nay, một số khu vực bất động sản đã giảm giá sau gần nửa năm thị trường rơi vào trầm lắng, đây được cho là cơ hội tốt để mua được giá hời. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư có sẵn tài chính vẫn không xuống tiền ở thời điểm này và đang “nín thở” chờ sửa Luật.

Giá bán đã hạ nhiệt nhưng vẫn vắng người mua

Thị trường bất động sản đã trải qua gần nửa năm rơi vào tình trạng trầm lắng ngay sau khi các ngân hàng có động thái kiểm soát tín dụng. Theo đó, thời gian qua, không ít nhà đầu tư chật vật rao bán thời gian dài nhưng cũng không khả thi.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tại một số điểm nóng đất nền ven Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm,... giá đất được chào bán đã rẻ hơn từ 10 - 20% so với thị trường. Còn theo báo cáo mới nhất của DKRA, nhìn chung sức cầu trên thị trường ở mức thấp.

Anh Công Hưng, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, đã 5 tháng nay, thị trường trầm lắng, theo đó, giá bất động sản tại ven đô và một số tỉnh lân cận đã giảm hơn so với thời điểm sốt.

"Thị trường lao dốc khiến nhiều người chật vật cắt lỗ, giảm giá bán nhưng vẫn khó. Một ngày tôi nhận tới 3 - 4 cuộc điện thoại nhờ bán đất, thậm chí còn chấp nhận tăng phí hoa hồng. Tuy nhiên, tôi đã gọi điện thoại mời khách cũ, chạy quảng cáo,... nhưng chỉ mất thêm tiền chứ không có khách hỏi mua", anh Tùng nói.

Mặc dù, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ nốt room tín dụng cho một số ngân hàng, khoảng 450.000 tỷ đồng được giải ngân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hiện đã nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng, nhưng chỉ vài trăm nghìn tỷ đồng, con số này không thấm tháp gì với thị trường bất động sản. 

Đất nền đã giảm giá, vì sao nhà đầu tư bất động sản vẫn chưa xuống tiền? - Ảnh 1.

Thị trường có thể phải chờ đến khi sửa xong Luật

Ngoài vấn đề về nguồn vốn đầu tư, thị trường bất động sản còn đang gặp trở ngại liên quan đến pháp lý khiến nhiều nhà đầu tư dù có sẵn tài chính nhưng chưa muốn xuống tiền trong thời điểm này. Theo đó, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng lệch pha cung cầu, người bán nhiều hơn mua, đặc biệt ở phân khúc đất nền có tính chất đầu cơ cao.

Theo anh Đinh Công Thắng, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội, khoảng 5 tháng trở lại đây, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Đến hiện tại, nguyên nhân dẫn tới thị trường ít giao dịch không chỉ từ tác động của dòng tiền, mà nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi sửa luật liên quan đến đất đai.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang nhằm tăng thu ngân sách, giảm đầu cơ đất.

“Rõ ràng, nếu đánh thuế cao với người sử dụng nhiều đất sẽ không phù hợp với các nhà đầu tư bất động sản. Do đó, nhiều nhà đầu tư dù đang có tiền sẵn cũng phải nín thở chờ sửa đổi luật mới cân nhắc tới việc mua vào bất động sản, dẫn tới đất nền chững lại nhưng chung cư lại tăng giá khá cao vì phục vụ được nhu cầu thự”, anh Thắng nói.

Anh Thắng nhận định, thị trường bất động sản sẽ duy trì tình trạng trầm lắng cho tới khi sửa luật xong, lúc này có thể thị trường sẽ sôi động hơn. “Khi mọi thứ đã rõ ràng từ việc đánh thuế tài sản hay không, nếu có thì sẽ ở mức nào và các luật khác được chốt thì nhà đầu tư mới có thể tự tin đầu tư. Tuy nhiên, nếu đất không đưa vào sử dụng sẽ bị đánh thuế cao, nhà đầu tư muốn không bị đánh thuế phải đưa vào phục vụ tạo ra giá trị thì phải đầu tư thêm một khoản như xây nhà để cho thuê. Trong khi đó, không phải mảnh đất nào cũng có thể đưa vào khai thác ngay, vì dân cư chưa có nhiều”, anh Thắng nói.

Nhà đầu tư này cho rằng, thời gian tới, đất nền ở nhiều khu vực sẽ bị tác động mạnh, đặc biệt những nơi đã bị thổi giá quá cao, buộc phải giảm giá.