Đất nền nhiều khu vực giảm giá
Trong giai đoạn từ 2018 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản ven Hà Nội liên tục xuất hiện các cơn “sốt đất”, nhiều khu vực giá đất đã tăng lên gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản bỗng rơi vào trầm lắng. Do đó, thanh khoản sụt giảm khiến nhiều nhà đầu tư phải rao bán "cắt lỗ"
Theo ghi nhận thực tế, tại các khu vực từng xảy ra “sốt đất” như Thạch Thất, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thanh Oai...giá đã giảm từ 20 - 30%, thậm chí những lô đất ở vị trí xấu hoặc pháp lý lỏng lẻo có thể giảm tới 35% so với thời điểm thị trường sôi động.
Cụ thể, tại Sơn Tây, Thạch Thất là nơi có nhiều mảnh đất rộng được phân tách thửa thành các lô nhỏ với diện tích từ 60 - 90m2, thời điểm đầu năm 2022, mức giá bán dao động từ 20 - 24 triệu đồng/m2, thì nay giảm còn 14 - 16 triệu đồng mỗi m2. Tại Thanh Oai, giá đất trong ngõ rộng khoảng 3m đang có giá từ 10 - 15 triệu đồng/m2, còn đất tại mặt đường có thể kinh doanh dao động từ 20 - 25 triệu đồng/m2.
Tại khu vực huyện Đông Anh, những lô đất mặt đường Đông Hội, Xuân Canh, Tiên Dương, Nguyên Khê…,thời điểm sốt đất giá bán dao động từ 50 - 60 triệu đồng/m2 thì nay đã giảm về mức 35 - 40 triệu đồng/m2. Tương tự, tại Hoài Đức giá đất dịch vụ tại Di Trạch, Vân Canh, Kim Chung,... mức giá hiện tại khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2, giảm khoảng 20 - 30% so với đầu năm ngoái. Một số khu vực như An Thượng, An Khánh giá rao bán cũng giảm khoảng 10 - 15%.
Cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn
Có thể thấy, thị trường chung đang có hiện tượng giảm giá ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cách đây khoảng 3 - 4 năm thì vẫn cao hơn nhiều. Do đó, một số nhà đầu tư đã mua từ sớm dù giảm giá bán trong thời điểm này nhưng vẫn lãi tiền tỷ.
Đơn cử, một nhà đầu tư mới đây đã bán đi mảnh đất có diện tích hơn 200m2 tại Thạch Thất, với giá 3 tỷ đồng, mức giá này đã giảm 20% so với thời điểm sốt đất.
“Mảnh đất này đã được tôi mua từ cuối năm 2018 với giá 1 tỷ đồng. Thời điểm đầu năm 2022, nhiều người trả tôi hơn 3,5 tỷ đồng.
Sau Tết tôi muốn mở thêm cửa hàng kinh doanh nên đã rao bán. Vì biết thị trường cũng đang chững nên tôi mới chấp nhận giảm giá. Mảnh đất này nằm ở khu vực đông dân cư nên cũng dễ tìm khách mua”, nhà đầu tư này nói. Như vậy, mặc dù giảm giá nhưng nhà đầu tư này vẫn bán được với giá gấp 3 lần so với thời điểm mua.
Tương tự, anh Đức Minh (quê Nam Định, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) cho biết, trước Tết Nguyên đán đã bán thành công mảnh đất tại Nam Định có diện tích 90m2, thuộc khu đô thị mới với mức giá 2,2 tỷ đồng.
“Thực tế mức giá tôi bán đã giảm khoảng 25% so với thời điểm sốt đất đầu năm 2022. Tuy nhiên, so với thời điểm tôi mua 2016 với giá 600 triệu đồng thì mức giá bán hiện tại đã lời gấp hơn 3 lần", anh Minh nói.
Lý do bán đất vào thời điểm này anh Minh đưa ra là cần tiền để mua nhà mới tại Hà Nội. Bên cạnh đó, giá đất nền trong khu vực cũng đi xuống nên quyết định bán sớm để bảo toàn lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao, không còn phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Áp lực tăng giá đầu vào như vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, chi phí vốn, giá đất,... đã gây áp lực lên giá thành bất động sản.
“Tuy nhiên, giá bất động sản có giảm trong thời gian gần đây nhưng vẫn gấp nhiều lần so với thời điểm năm 2018. Do đó, cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn”, ông Đính nói.