Sáng 21/11, Tập đoàn Hòa Bình đã tổ chức Lễ khánh thành đường mẫu cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long với cam kết “tốt nhất thế giới, giá thành thấp nhất thế giới”.
Theo Trung tâm thiết kế, thí nghiệm và thử nghiệm của Tập đoàn Hòa Bình, nền đường không đất kiểu tấm cọc được sử dụng trong dự án là một kết cấu xây dựng nền đường rỗng cứng mới bao gồm "cọc" và "tấm". Tấm đúc sẵn được cố kết với các cọc cầu và kết cấu phụ cột thông qua việc đúc sau.
So với nền đường truyền thống, nền đường kết cấu cọc có độ cứng cao hơn và độ lún nhỏ hơn, đồng thời không yêu cầu chiều rộng phân loại cần thiết trong quá trình thi công nền đường truyền thống, cải thiện đáng kể việc sử dụng đất và giải quyết hiệu quả các vấn đề vô tận gặp phải khi xây dựng đường cao tốc ở vùng đồng bằng như đất sẵn có, khó lấy đất, khó xử lý nền đất yếu trên ruộng lúa ao.
Đồng thời, các "cọc" và "tấm" của nền đường không đất đều được đúc sẵn tập trung tại các địa điểm đúc sẵn tiêu chuẩn hóa bằng phương pháp lắp ráp và đúc sẵn tại nhà máy, giúp rút ngắn đáng kể chu trình xây dựng dự án, cải thiện chất lượng dự án và tiết kiệm chi phí xây dựng. có ý nghĩa rất lớn trong việc tích cực đẩy mạnh sản xuất nhà xưởng, lắp đặt lắp ráp và thi công chuyên nghiệp.
Hiện, Tập đoàn Hoà Bình đã hoàn thành xong 2 tuyến đường mẫu đường cao tốc đồng bằng và vùng núi, đường cao tốc trên nền đất yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hai đoạn đường này đã thử tải tĩnh và tải động để sẵn sàng đưa vào sử dụng và thi công đường cao tốc Bắc – Nam.
"Đường cao tốc này tốt nhất thế giới và giá thành thì thấp nhất thế giới, các đoạn đường này có giá thành chỉ bằng 2/3 đường cao tốc của thế giới. Hiện nay giá làm đường cao tốc của Việt Nam là đắt nhất thế giới và tuổi thọ thì lại là thấp nhất thế giới”, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết.
Trước đó, ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi là Đường "bia"), Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình cho biết doanh nghiệp này mong muốn tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.500 tỷ.
Công ty Hòa Bình đã cử đoàn cán bộ cùng chuyên gia Trung Quốc – thuộc Tổng Công ty đường cao tốc Quảng Tây kết hợp với chuyên gia làm đường của Đức, Mỹ tư vấn khảo sát tuyến đường.
Về động lực "lấn sân" sang làm đường cao tốc, ông Đường chia sẻ với Tạp chí Nhà quản trị: Tuy không phải là doanh nghiệp chuyên làm đường, nhưng Hoà Bình có kinh nghiệm làm xây dựng và luôn luôn nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để tìm ra giải pháp thi công hiệu quả nhất.
Cơ duyên đến với việc làm đường cao tốc cũng chính vì mong muốn tạo ra những con đường thực sự chất lượng với giá rẻ và độ bền cao, đóng góp sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Năm 2018, công ty đã có báo cáo và đến tháng 12/2022, công ty tiếp tục gửi báo cáo tới Chính phủ về việc thi công vỉa hè mẫu, đường mẫu, đường cao tốc mẫu vĩnh cửu với thời gian.
Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục báo cáo đến Quốc hội và Chính phủ, hy vọng rằng, phương pháp xây dựng đường cao tốc mẫu này sẽ áp dụng để thi công mạng lưới đường cao tốc của Việt Nam.
"Chúng tôi tự hào rằng, đây là đường cao tốc có tuổi thọ cao nhất, chất lượng tốt nhất và giá thành xây dựng thấp nhất thế giới do người Việt Nam làm chủ trì thiết kế, thi công, giám sát. Giá thành hai cao tốc mẫu Hòa Bình vừa khánh thành chỉ bằng 2/3 đường cao tốc của thế giới.
Tới đây, Hoà Bình sẽ tặng đồng bằng sông Cửu Long 1km đường cao tốc để đối chứng về chất lượng, giá thành và thời gian thi công mà chúng tôi đã cam kết", ông Đường cho biết.
Ngoài những công trình khách sạn dát vàng nổi tiếng làm nên thương hiệu doanh nhân "Đường bia" thì vào năm 2021, ông Nguyễn Hữu Đường từng khiến dư luận quan tâm với ý tưởng xây dựng đề án hệ thống TTTM, outlet V miễn phí mặt bằng.
Theo đề án này, ông Nguyễn Hữu Đường dự kiến sẽ xây dựng hệ thống TTTM tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước, bán hàng giá rẻ hơn giá thị trường 30 - 40% (do miễn phí mặt bằng và các hỗ trợ khác) nhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa.
Đây sẽ là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ động với chi phí thấp, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất cho hơn 870.000 doanh nghiệp, hơn 26.000 hợp tác xã và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh.
Các dự án thuộc đề án đều không sử dụng đến ngân sách nhà nước. Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình sẽ đóng góp nghĩa vụ tài chính để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới trung tâm thương mại kết nối các tỉnh.
Tại Hà Nội, đề án cho biết sẽ xây dựng một dự án tổ hợp trung TTTM, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Khi hoàn thành, dự án sẽ có hơn 300.000 m2 sàn thương mại đáp ứng hơn 10.000 gian hàng, hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5ha dành riêng cho khu làng nghề; 1ha dành cho khu vực lễ hội; 3,5 ha là khu các cảnh quan – di tích nổi tiếng thế giới dát vàng, cùng với nhiều tiện ích khác, có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày, dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại đề án này vẫn chỉ dừng ở hồ sơ phương án kiến trúc.