Với tổng mức hơn 7.200 tỷ đồng, trong đó 5.800 tỷ cho giải phóng mặt bằng nhưng đoạn đường 2,2 km từ Hoàng Cầu đến Voi Phục đến nay vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công.
Dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được phê duyệt từ tháng 12/2017 và dự kiến hoàn thành năm 2020. Đoạn đường được kỳ vọng sẽ kết nối đồng bộ với toàn tuyến Vành đai một và góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên các tuyến đường La Thành, Đê La Thành, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông ở khu vực thuộc vùng lõi của Thủ Đô. (Ảnh: Báo Lao động)
Nhưng sau 6 năm kể từ ngày được phê duyệt, dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục vẫn đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Được biết, dự án liên quan hơn 2.300 hộ dân, trong đó địa bàn quận Đống Đa là khoảng 800 hộ và quận Ba Đình hơn 1.500 hộ.
Tuyến đường dự tính dài hơn 2,2km; song song và nằm bên cạnh đường Đê La Thành, La Thành hiện tại. Điểm đầu giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa); điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Đường có mặt cắt ngang 50m.
Dự kiến tuyến đường sẽ hình thành 2 cầu vượt trực thông theo hướng Vành đai một tại nút giao Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh và nút Giảng Võ - Láng Hạ. Hiện 2 cầu vượt này vẫn chưa được thi công.
Đây là đoạn tuyến cuối để khép kín tuyến Vành đai Một của TP. Hà Nội. Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, riêng phần giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư gần 6.000 tỷ đồng. Dự kiến, mỗi m đường ở đây tiêu tốn hơn 3 tỷ đồng.
Với chi phí này, đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục đã phá kỷ lục về tổng kinh phí đầu tư trên mỗi km đường của các dự án trước đó trên địa bàn Thủ đô và được mệnh danh là “đường đắt nhất hành tinh”. Trong ảnh là khu vực đường Đê La Thành trong giờ cao điểm.
Được biết, vào chiều ngày 1/12/2023 gói thầu số 18A thuộc Dự án Xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, TP. Hà Nội (giai đoạn 1) vừa được công bố mời thầu. Chủ đầu tư, bên mời thầu Gói thầu là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Công trình dân dụng TP. Hà Nội.
Phạm vi công việc của Gói thầu bao gồm thi công xây dựng đường (bao gồm nút giao thông khu vực cầu vượt Láng Hạ - Giảng Võ và Nguyễn Chí Thanh, hệ thống chiếu sáng đường) và khớp nối, tổ chức giao thông nút Hoàng Cầu, nút Voi Phục kết hợp trồng cây xanh, thảm cỏ, cây hoa, cây cảnh toàn tuyến. Trong ảnh là nút giao Láng Hạ - Giảng Võ.
Như vậy, sau nhiều năm đoạn "đường đắt nhất hành tinh" mới có thể khởi động mời thầu xây dựng tuyến đường. Tháng 9 vừa qua, lãnh đạo TP. Hà Nội đặt mục tiêu tập trung quyết liệt hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023, phấn đầu hoàn thành dự án năm 2024.