Chuyện khó hiểu trên thị trường BĐS: Lúc giá tăng theo tuần thi nhau mua, giá nhà chững cả năm không mấy ai “ngó”

Vì sao nhiều người tranh nhau mua bất động sản khi giá tăng và dửng dưng khi giá chững hoặc giảm là câu hỏi muôn thuở khó hiểu của thị trường địa ốc.

Từ các cuộc đấu giá đất tăng giá gấp nhiều lần và có dấu hiệu “đầu cơ” thổi giá, đến những diễn biến sốt cục bộ tại các khu vực đất nền trên cả nước trước đó có thể thấy động thái của người mua ngày càng khó hiểu. Lúc giá bất động sản tăng liên tục rất nhiều người tranh nhau mua, đến khi mặt bằng giá chững lại không mấy ai bận tâm.

Chia sẻ về lý do, ông Lê Minh Đức, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Remaps cho rằng, do nhu cầu mua bất động sản từ trước đến nay để đầu tư là chính. Khi giá tăng là cơ hội đầu tư. Khi giá chững thì nhà đầu tư “vắng mặt”.

Vị này phân tích, có một sự thật khi thị trường sôi động, chủ đầu tư ra nhiều hàng cũng là lúc giá bất động sản tăng nhanh nhất. Còn khi chủ đầu tư bị kẹt pháp lý, không bán hàng thì giá bất động sản đi ngang hoặc giảm nhẹ. Thế nhưng, khi giá giảm hoặc chững là cơ hội để nhiều người sở hữu thì động thái người mua lại đi ngược. Có nhiều bất động sản chững giá cả năm nhưng không mấy ai ngó.

Theo ông Đức, tại Việt Nam bất động sản được xem như một "sản phẩm tài chính". Nghĩa là nhu cầu chính là đầu tư chứ không phải an cư. Với nhu cầu đầu tư thì khi thị trường có thanh khoản, giá sẽ tăng. Thanh khoản kém, giá sẽ đi ngang hoặc giảm, không liên quan nhiều đến lượng sản phẩm. “Theo thông tin thu thập thì ở Việt Nam có tới 80% nhu cầu mua bất động sản là để đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.

Thậm chí có thời điểm, nhiều người không biết làm gì ngoài đầu tư bất động sản. Chỉ khi thị trường bất động sản sôi động thì dòng tiền mới nhiều, còn lại nhà đầu tư sẽ gửi tiền vào ngân hàng chờ lấy lãi.

Ông Đức cho hay, một số nơi trên thế giới giao dịch bất động sản với mục đích để ở là chính. Ví dụ họ mua nhà vì đổi nhà chứ không như ở Việt Nam. Khi mua nhà với nhu cầu ở thì khách hàng sẽ không quan tâm lắm đến độ tăng giá của sản phẩm. Việc dự báo nhu cầu cũng dễ hơn dựa trên tăng trưởng dân số, mức độ dịch chuyển cư dân. Còn ở Việt Nam phần lớn là nhu cầu mua bất động sản đầu tư thì rất khó để dự báo nhu cầu. Bởi lẽ, chỉ cần tài sản có lời thì nhu cầu sẽ tăng vọt trong thời gian ngắn và ngược lại.

Chuyện khó hiểu trên thị trường BĐS: Lúc giá tăng theo tuần thi nhau mua, giá nhà chững cả năm không mấy ai “ngó”- Ảnh 1.

Theo một số chuyên gia trong ngành, khi thị trường bất động sản sôi động, tâm lý đám đông bùng nổ kéo theo nhiều người tham gia vào thị trường khiến thanh khoản tăng cao. Tuy nhiên, đến khi giá giảm hoặc chững lại người mua lại e ngại xuống tiền.

“Nhiều người đi thăm dò giá, trả giá rất rát nhưng hầu như chỉ mua khi bất động sản đó tăng giá. Đó là câu chuyện đã diễn ra ở nhiều người và nhiều thời điểm. Tâm lý bị chi phối khá nhiều trong quyết định mua bán bất động sản”, một vị chuyên gia (giấu tên) cho hay.

Có thể thấy, mấy năm qua, bất động sản liên tục tăng giá. Nhìn từ cuộc đấu giá đất diễn ra tại Hà Nội gần đây cũng đủ hình dung rằng, ngay cả thời điểm kinh tế còn khó khăn, giá bất động sản vẫn bị đẩy lên cao, thậm chí tranh giành nhau mua. Động thái tuy khó hiểu nhưng vẫn nhiều lần diễn ra trên thị trường.

Từng chia sẻ trên báo chí, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, hiện tượng nghịch lý trên phản ánh rõ thị trường mang nặng tính đầu cơ. Thực tế nhiều người mua đất xong chưa kịp sang tên, ngày hôm sau đã tăng giá bằng lần. Theo đó họ mua bất chấp giá cao. Càng nhiều người đầu tư theo tâm lý đám đông, lướt sóng càng khiến giao dịch bùng nổ.

Chưa kể, thời gian quan, thị trường trầm lắng, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao trước đó phải bán cắt lỗ, giảm giá nhiều. Hiện không ít nhà đầu tư hết tiền nên dù giá bất động sản chững hay giảm cũng không còn khả năng mua.

Một nguyên nhân theo ông Toàn giá bất động sản chững nhưng khó bán là do, lượng nhà đầu tư vững tài chính đi săn các bất động sản giá tốt là có nhưng không nhiều. Đồng thời, sau khoảng thời gian thị trường biến động tâm lý e ngại, phòng thủ của nhà đầu tư xuất hiện nhiều hơn. Do vậy, nhiều người thay vì xuống tiền thì vẫn đứng ngoài chờ đợi, quan sát thêm.