Chuyên gia địa ốc: Thị trường cần "bơm" tiền, khó có thể bỏ mặc bất động sản

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì bất động sản đang rơi vào tình trạng gần như đóng băng. Đây là lĩnh vực ảnh hưởng đến nhiều nhóm ngành khác nên khó có thể bỏ mặc.
Bất động sản đang "bất động"

Trả lời trên báo Dân trí mới đây, chuyên gia kinh tế, tài chính T.S Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, dịch bệnh đang tác động lên các ngành nghề, trong đó có bất động sản (BĐS), TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, BĐS rất cần toa thuốc cứu trợ ở thời điểm này.

Bởi lẽ, thị trường BĐS đang được trước những khó khăn chất chồng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi tất cả dường như “bất động”. Theo ông Hiếu, sự khủng hoảng này khác hoàn toàn so với khủng hoảng năm 2008 trên thế giới và thời điểm năm 2011 - 2013 khi thị trường BĐS đóng băng.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, nếu sự đổ vỡ của thị trường BĐS năm 2011 -2013 bắt nguồn từ kinh tế tài chính thì cuộc khủng hoảng 2020 lại là nạn nhân của đại dịch Covid-19. Một nguyên nhân mà không ai ngờ tới. Dịch này đã và đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế.

Theo chuyên gia này, BĐS là một trụ cột của nền kinh tế. Chính phủ cứu trợ ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất…thì BĐS cũng cần được cứu trợ. Vì đây là lĩnh vực liên quan đến các ngành nghề như dịch vụ du lịch, dịch vụ khách sạn, vật liệu xây dựng, quản lý khách sạn, chung cư… Và đó là một thị trường với hàng triệu lao động. Tất nhiên, Chính phủ còn phải lo cứu trợ nhiều ngành khác, nhưng không có nghĩa là bỏ mặc BĐS.

Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp BĐS, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng là khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động. Thậm chí làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ, phá sản.

Cần "mạnh tay" hỗ trợ doanh nghiệp BĐS

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận, chúng ta đều thấy dịch bệnh còn kéo dài và phức tạp nên chắc chắn sẽ tác động lâu dài đến nền kinh tế, cộng đồng DN nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp BĐS. Với 1 dự án BĐS, nếu thực hiện theo đúng quy trình thủ tục thì doanh nghiệp phải mất khoảng 5 năm.

nguyentrannam

Hiệp hội BĐS đã kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp 1 năm thay vì 5 tháng

Thời gian bắt đầu triển khai xây dựng dự án đến lúc đủ điều kiện bán hàng cũng mất gần 1 năm nữa nên thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất như đề xuất trong dự thảo là rất ngắn. Bởi vậy, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ và các đơn vị liên quan xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng.

Mới đây, Bộ TN-MT đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị miễn tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp và hỗ trợ một số loại hình doanh nghiệp, đối tượng khác, vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ bằng hình thức gia hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, Bộ đề xuất Thủ tướng xem xét miễn tiền sử dụng đất đối với từng loại hình doanh nghiệp thuê đất trả tiền thuê hàng năm, để các doanh nghiệp có điều kiện, nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh , mức đề xuất.

Cụ thể, đề nghị miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho tất cả các trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm do ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trường hợp đến ngày 30/6 mà chưa khôi phục sản xuất thì xem xét để miễn các tháng còn lại của năm 2020.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu BĐS không được cứu trợ sẽ kéo theo nhiều ngành khác chạm đáy, bởi BĐS liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Chuyên gia địa ốc: Thị trường cần bơm tiền, khó có thể bỏ mặc bất động sản - Ảnh 3.

Thị trường BĐS không chỉ có người thu nhập cao mà còn có người thu nhập thấp, liên quan đến các ngành nghề khác, với hàng triệu người lao động

Vì thế, BĐS cũng cần được "bơm" tiền trong lúc này nhằm giúp các DN trả lương nhân viên, thanh toán tiền thuế, tiền lãi ngân hàng, cầm cự trong thời kỳ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng.

Một cách bơm tiền trực tiếp khác, đó là thông qua cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng. Các doanh nghiệp khó khăn có thể nhận tiền từ quỹ bảo lãnh tín dụng này.

Còn theo Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, đi kèm với lệnh cách ly toàn xã hội, mình nghĩ cần phải có các giải pháp đi cùng để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và an toàn cho doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết chúng ta cần sự chung tay trợ lực của mỗi người, mỗi DN và chính phủ để chúng ta vượt qua tháng 4 đỏ lửa.

Cụ thể, các chủ mặt bằng, chủ nhà cho thuê giảm 50% hoặc miễn thu tiền mặt bằng, tiền nhà trong tháng 4; Miễn/giảm các khoản lãi vay trong 2-3 tháng hoặc ân hạn nợ gốc; Ân hạn thanh toán các khoản đến hạn theo HĐ tối thiểu 30 ngày; Giảm giá, ưu đãi lớn cho các đối tác chiến lược, bạn hàng lâu năm…