Nhu cầu về nhà ở của những người có thu nhập thấp rất lớn trong khi nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Sự tồn tại của các chung cư mini phản ánh cung - cầu của thị trường.
Chị Ngọc Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây tôi nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Trung Văn - Nam Từ Liêm nhưng bốc thăm trượt, trong khi nhà ở thương mại giá cao, gia đình không đủ khả năng mua. Vì vậy, tôi chấp nhận mua căn hộ chung cư mini với giá gần 1 tỷ đồng. Chung cư mini không thể so với nhà ở xã hội cũng như nhà thương mại, nhưng sạch sẽ, tiện nghi hơn nhà cấp 4. Đó cũng chính tài tài sản lớn của cả gia đình tôi".
Có rất nhiều gia đình trẻ như chị Minh ở Hà Nội khi thu nhập chỉ để mua căn hộ dưới 1 tỷ đồng. Thế nhưng, những căn hộ này thuộc dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đang biến mất trên thị trường.
Còn nhớ cách đây 5 năm, một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội làm nhà ở thương mại giá dưới 10 triệu đồng/m2 và một căn chung cư chỉ từ 360 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng đã tạo "cơn sốt" nhà ở giá rẻ thời điểm đó. Lãnh đạo doanh nghiệp này từng tuyên bố, nếu có đất sẽ tạo ra nhiều hơn nữa những căn hộ giá rẻ cho những người thu nhập thấp ở Hà Nội. Thế nhưng, thiếu chính sách về quỹ đất khiến cho mô hình nhà ở giá rẻ này chỉ dừng lại ở vài nơi.
Với nhà ở xã hội, dù thủ tục hồ sơ còn nhiều phức tạp nhưng nhu cầu của người dân rất lớn, bởi mỗi căn hộ rẻ hơn nhiều so với nhà ở thương mại hiện nay. Nhiều cuộc họp từ Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương để giải quyết bài toán nhà ở xã hội cho người dân nhưng thực tế số lượng dự án khởi công mở bán chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong thống kê của Bộ Xây dựng 8 tháng năm nay, Hà Nội không có dự án nhà ở xã hội nào khởi công. Nhìn vào dòng người chen lấn xếp hàng nộp hồ sơ dự án nhà ở xã hội tại Trung Văn - Nam Từ Liêm cho đến ngày bốc thăm vào giữa tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư dự án cũng phải thốt lên rằng: "Tôi đã làm 3 dự án nhà ở xã hội và đến cái này là thứ 4, nhưng việc bốc thăm này không khác gì chơi xổ số".
Rõ ràng, nhu cầu nhà ở của người dân lớn nhưng bản thân doanh nghiệp, nhà nước cũng chưa đáp ứng được. Theo đó, người dân tự làm những căn hộ như chung cư mini để bán, cho thuê với nhiều đối tượng thu nhập thấp.
Trao đổi với Tiền Phong , ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, câu chuyện chung cư mini phải nhìn vào vấn đề quy hoạch. "Rõ ràng quy hoạch và quản lý quy hoạch còn bất cập. Chung cư mini không có tội", ông Hà nói.
Ông Hà cho biết thêm, không chỉ chung cư mini, bất kỳ nhà ở nào cũng có nguy cơ xảy ra cháy. Theo đó, việc quy hoạch và thực hiện, quản lý là yếu tố đầu tiên.
"Không thể để một đường ô tô không vào được mà cho xây đến 9, 10 tầng. Chúng ta phải nhìn vào quy hoạch, ngõ nào được xây cao tầng, ngõ nào chỉ được xây thấp tầng để từ đó quản lý?", ông Hà đặt ra câu hỏi.
Ông Hà khẳng định, nhà ở là trách nhiệm của cả nhà nước, xã hội và người dân. Hiện nay, nhà ở xã hội thiếu nên người dân xây dựng góp phần tạo cơ hội cho nhiều người dân có nhà ở. "Ở đây không phải cấm mà phải quản lý nó. Cũng không thể vì thiếu nhà mà cho xây dựng cao tầng sai quy hoạch", ông Hà nói.
Ông Hà chia sẻ thêm, không nên cấm việc xây dựng chung cư mini mà xây thế nào phải có quy hoạch. "Với ngõ nhỏ không được phép xây trên 5 tầng và phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, đặc biệt là phòng cháy chữa cháy", ông Hà cho hay.
Còn với những cái đang tồn tại, ông Hà cho biết mới đây Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương rà soát chung cư mini. Những gì đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy nên tiếp tục cho sử dụng còn cái nào nguy hiểm phải có phương án khắc phục.
Đặc biệt, ông Hà kiến nghị, chung cư mini trên 20 căn hộ phải có ban quản lý vận hành, ban quản trị để quản lý giống chung cư thương mại.