Chủ tịch HoREA: TP.HCM cần đột phá về tư duy quy hoạch sông Sài Gòn, đầu tư những đại lộ 4-10 làn xe để kết nối liên vùng

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nếu thay đổi tư duy, cách làm và quyết liệt triển khai, TPHCM sẽ sớm đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch để trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Cần bổ sung quy hoạch tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn

Trong nhiều năm qua Hiệp hội BĐS TPHCM luôn ủng hộ ý tưởng xây dựng Đại lộ ven sông Sài Gòn. Tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông dọc hành lang sông Sài Gòn đối với TPHCM là gì, thưa ông?

Chúng ta cần bổ sung vào quy hoạch TPHCM tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn kết nối đến Bình Dương đến Tây Ninh tạo thành một tuyến du lịch xuyên suốt với vùng Đông Nam Bộ. Hiện TPHCM đang quy hoạch 88 tuyến đường sông, việc quy hoạch các tuyến đường thủy này phải được khớp nối với các tuyến đường bộ - đường sắt – cao tốc theo mô hình TOD (đô thị dựa theo hệ thống giao thông công cộng) tạo nên một tổng thể phát triển giao thông toàn diện.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng một tuyến đại lộ ven sông sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc giải phóng mặt bằng để làm đường. Khi làm tuyến đại lộ này có thể kết hợp chỉnh trang, khai thác quỹ đất hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn rộng đến 50 m vào việc phát triển các tiện ích phục vụ người dân, du khách như công viên cây xanh, đường đi bộ, bến thủy, du thuyền, các hoạt động thể dục thể thao dưới nước, trung tâm triển lãm, nghệ thuật, nhà hát, nhà văn hóa…

Ngoài ra, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối thẳng qua Củ Chi đến trung tâm du lịch núi Bà Đen - Tây Ninh sẽ mở ra hướng mới để phát triển, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị và tiềm năng kinh tế dịch vụ.

Việc phát triển đại lộ ven sông Sài Gòn cũng sẽ tối ưu quỹ đất dọc sông cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội giúp tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển. Đây sẽ là điều kiện để phát triển mô hình thành phố bên sông năng động với các khu phức hợp đa chức năng, giải trí công cộng, thúc đẩy du lịch sinh thái, du thuyền, lễ hội văn hóa…

Nhiều thành phố trên thế giới phát triển đại lộ ven sông rất hiệu quả như sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, sông Seine ở Paris… Theo ông, TPHCM với lợi thế sông Sài Gòn huyết mạch nên có định hướng quy hoạch như thế nào để phát huy tối đa tiềm năng?

Sông Sài Gòn không chỉ là con sông của riêng Sài Gòn mà còn là trục phát triển kinh tế, du lịch của cả khu vực Đông Nam Bộ. Với những tiềm năng sẵn có, sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông du lịch, di sản, văn hóa, giao thông và kinh tế sôi động trên bến dưới thuyền như sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hàn (Seoul)… mang lại hàng tỷ USD mỗi năm nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông và quỹ đất ven sông.

Tuy nhiên, tiềm năng sông Sài Gòn chưa được khai thác đầy đủ. Thời gian tới, TP.HCM cần đẩy mạnh phát triển các điểm đến đẳng cấp, sinh thái, sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với dòng sông vô giá này. Mặt khác, trong quá trình phát triển, ngoài việc phục vụ du khách, cần xây dựng các điểm mang tính đặc sản hai bên dòng sông để phát huy vai trò hành lang dân cư hai bên sông, từ đó mỗi người dân sẽ là một “sứ giả” làm du lịch. Để tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế ven sông cũng như du lịch, cần xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh lân cận. Đồng thời, đẩy mạnh bổ sung các bến thủy và các trung tâm dịch vụ, du lịch ven sông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, du lịch và dịch vụ đường thủy phát triển.

Tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối thẳng qua Củ Chi đến trung tâm du lịch núi Bà Đen - Tây Ninh sẽ mở ra hướng mới để phát triển, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị và tiềm năng kinh tế dịch vụ.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Có một thực tế, TPHCM có sông Sài Gòn kết nối tới Tây Ninh, đi qua vùng đất Củ Chi rộng lớn, giàu giá trị lịch sử văn hóa, sinh thái nhưng vẫn chưa thể phát triển du lịch mạnh mẽ. Theo ông đâu là nguyên nhân? Và ông có đề xuất gì giúp đánh thức tiềm năng của Củ Chi, của sông Sài Gòn?

Từ Củ Chi (TPHCM) đi 50km đến Tây Ninh. Đây là vùng đất thủ đô kháng chiến, có biểu tượng tâm linh lớn là Núi Bà Đen được ví như “nóc nhà Nam Bộ”, và là điểm đến hút khách bậc nhất khu vực phía Nam. Muốn kết nối TPHCM với các tỉnh phía Nam không thể bỏ qua trục hành lang sông Sài Gòn bắt nguồn từ Tây Ninh, qua Củ Chi rồi đến trung tâm TP.

Việc khai thác tiềm năng du lịch dọc sông Sài Gòn hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt là phát triển du lịch, kinh tế ven sông gắn với khai thác các lợi thế về sinh thái, văn hóa hay du lịch cao cấp ... Chưa kể, việc sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm cũng tác động tiêu cực đến du lịch. Đồng thời, việc chưa có quy hoạch đô thị toàn diện và rõ nét cũng tạo ra những khó khăn khi phát triển hạ tầng du lịch, giao thông và các dự án quan trọng khác liên quan đến dòng sông, cũng như khó thu hút đầu tư.

Phát triển những đại lộ 4-10 làn xe hiện đại kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận

TPHCM hướng đến trở thành một trong những điểm đến hàng đầu Châu Á, TP toàn cầu trong định hướng Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu này, TPHCM cần có chiến lược đột phá về hạ tầng, giao thông, giải quyết vấn đề giao thông nội thị và kết nối liên vùng?

Nghị quyết 98 cho phép TPHCM áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, triển khai dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), tạo thêm nguồn lực cho dự án. Thời gian qua, thành phố cũng triển khai một số đề án trọng điểm như thu hút nhà đầu tư chiến lược cho Cảng trung chuyển Cần Giờ, đề án xây dựng Trung tâm tài chính, quy hoạch tổng thể hơn 500km đường sắt đô thị…

Tuy nhiên, để trở thành một đô thị toàn cầu, trong thời gian tới TPHCM cần đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng - đây là điểm rất quan trọng; phát triển hạ tầng tân tiến, hiện đại theo xu hướng quốc tế để cải thiện kết nối nội thị và liên vùng đến các đô thị vệ tinh xung quanh hay thậm chí là khu vực.

Chúng ta có thể thấy đang có rất nhiều dự án đầu tư kết nối từ phía Đông Thành phố qua Thủ Thiêm, ra đến tận sân bay Long Thành. Tuy nhiên, nếu nhìn lên phía Bắc, về phía Tây Bắc của thành phố thì vẫn còn một số hạn chế. Đối với phía Bắc, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng tuyến đại lộ kết nối TPHCM qua Củ Chi đến Tây Ninh, phải làm từ 4 đến 10 làn xe, kết hợp đường bộ, đường sắt đô thị LRT theo xu thế của các đô thị phát triển trên thế giới. Như vậy mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đẳng cấp của một đô thị toàn cầu tương lai.

Chính quyền TPHCM đã thấy được những bất cập nên thời gian qua đã chú trọng đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông. Theo đồ án quy hoạch giao thông vùng TP.HCM đã được phê duyệt, hệ thống giao thông đường bộ gồm 6 tuyến cao tốc, 3 tuyến vành đai, 8 tuyến đường sắt đô thị.

Nhìn tổng thể, bức tranh hạ tầng giao thông của TP.HCM từ nay đến năm 2025 sẽ có những thay đổi tích cực khi các tuyến đường kết nối liên vùng dần hoàn thiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng thành phố cần phải phát triển hạ tầng tân tiến, hiện đại theo xu hướng quốc tế với tầm nhìn xa.

Ví dụ một số tuyến đường kết nối chính như TPHCM – Thuận An, TPHCM – Tây Ninh có thể xây dựng những đại lộ từ 4-10 làn xe với không chỉ đường bộ mà còn cả đường sắt liên tỉnh, bám theo trục sông Sài Gòn với hệ thống bến thủy để phát triển song song đa loại hình giao thông. Nếu chúng ta cứ làm đường nhỏ, phát triển manh mún thì vài năm lại quá tải bởi xu thế đô thị hóa nhanh, rồi lại phải mở rộng, làm lại… Việc mở rộng đường đã quy hoạch sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, và thường ngân sách sẽ không đảm bảo xử lý được.

Để đạt được các mục tiêu lớn hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, nguồn vốn là vấn đề quan trọng cần tính đến. Ông đánh giá thế nào về vai trò của nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là các tập đoàn, nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm đối với sự phát triển của TPHCM trong tương lai?

Trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM đến năm 2030, TP cần khoảng 980.000 tỷ đồng trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng chưa đến 50%, hơn 50% còn lại từ các nguồn lực xã hội. Do đó, tôi cho rằng muốn phát triển nhanh cần xã hội hóa, sự đóng góp từ nguồn vốn tư nhân. Đặc biệt, cần huy động những tập đoàn lớn trong nước dày dạn kinh nghiệm để dẫn dắt đi đầu bằng những dự án bài bản, quy mô, đẳng cấp tạo chất xúc tác cho sự phát triển bùng nổ của không chỉ TPHCM mà toàn vùng Nam Bộ.

Nhìn tổng thể, bức tranh hạ tầng giao thông của TP.HCM từ nay đến năm 2025 sẽ có những thay đổi tích cực khi các tuyến đường kết nối liên vùng dần hoàn thiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng thành phố cần phải phát triển hạ tầng tân tiến, hiện đại theo xu hướng quốc tế với tầm nhìn xa.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Xin cảm ơn ông!