Bất động sản giai đoạn 2010-2020 là thời gian có nhiều thăng trầm nhất. Trong suốt 10 năm này có thể chia thành 2 giai đoạn phát triển 2010-2013 và 2013-2020. Trong đó, giai đoạn 2010-2013 là thời gian BĐS tồi tệ nhất. Dự án thì đắp chiếu, thị trường thì khủng hoảng. Chính phủ liên tục tìm cách giải cứu. Đây là thời điểm khủng hoảng thừa, nguồn hàng dồi dào nhưng không bán được!
Ở thời điểm đó, tôi nghĩ tất cả các nhà làm BĐS đều ngủ đông và ngủ một cách say xưa, không biết bao giờ dậy. Đó cũng là thời điểm FLC bước một chân vào lĩnh vực BĐS và tôi may mắn hơn vì không phải ngủ đông.
Tôi còn nhớ năm 2011-2012, Tập đoàn FLC khởi kiện người mua nhà vì nhà đã xong nhưng khách hàng không nộp tiền cho FLC để nhận nhà.
Giá nhà thời điểm đó xuống liên tục. Thời điểm đó khủng khiếp lắm, dự án đắp chiếu "đất vàng đất bạc" cho doanh nghiệp không ai dám làm dự án vì có làm cũng không bán được hàng.
Bước sang năm 2014, thị trường BĐS bắt đầu khởi sắc. Và liên tiếp 6 năm sau đó, BĐS phát triển chưa bao giờ khủng khiếp đến thế. Tôi cho rằng, chưa bao giờ thị trường BĐS Việt Nam rực rỡ như lúc này!
Tôi còn nhớ, năm 2014 tòa nhà FLC ở Mỹ Đình cao nhất khu vực đấy, nhìn ra xung quanh rất ít tòa nhà sáng đèn. Đến năm 2020, từ tòa nhà văn phòng của FLC ở 265 Cầu Gấy nhìn toàn cảnh Hà Nội, đặc biệt nhìn về Từ Liêm tôi khủng khiếp. Hàng nghìn tòa nhà không thể đếm được. Hàng trăm tòa nhà gần 30 tầng gần như san sát nhau.
Nhìn xung quanh các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mỹ Đình…các tòa nhà cao tầng chen nhau mọc lên. Số lượng các tòa nhà tại Hà Nội còn hơn cả New York. Đó là điều đáng mừng cho 10 năm thăng trầm BĐS!
FLC đã trải qua 10 năm thăng trầm của thị trường bất động sản với 3 cuộc khủng hoảng. May mắn là chúng tôi đã vượt qua và vẫn không ngừng lớn mạnh. Nói về cách làm của FLC, chúng tôi có chút khác biệt đối với các doanh nghiệp khác. Chủ đầu tư khác như Tân Hoàng Minh làm toàn hàng hiệu, vị trí phải là vàng, bạc, kim cương thì quan điểm của tôi thích bắt xa bờ đến những vùng heo may cát trắng.
Tôi còn nhớ vùng đất khu nghỉ dưỡng FLC sầm sơn ngày trước toàn là hồ nuôi tôm trải rộng bao la. FLC Quy Nhơn là cả núi cát trải dài vô tận. Còn FLC Quảng Bình là vùng đầm lầy, cỏ cây dại mọc um tùm….Nhưng tôi chúng vẫn vào, triển khai dự án một cách thần tốc.
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm sơn diện tích trên 200 ha tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng khai trương tháng 7/2015 sau 9 tháng thi công; Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn cũng đưa vào khai tháng chỉ sau hơn 1 năm thi công….Giờ đây, từ một vùng đầm lầy, cát trắng các dự án khác vây quang FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn tạo nên sức sống cho những vùng đất này.
Nói về tương lai, chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục đến những vùng đất xa xôi có nắng, có gió, heo may cát trắng và tiếp tục làm hồi sinh những vùng đất này.
Về tương lai của ngành bất động sản, dù là nói trong hội trường lớn, hay ở quán cafe hay cả ngay lúc ăn trưa tôi cũng có thể tự tin nói rằng bản thân luôn luôn lạc quan về thị trường bất động sản. Từ trước đến nay, dù đã trải qua nhiều khủng hoảng, tôi vẫn lạc quan và vượt qua khủng hoảng 2008, 2013 với kết quả tích cực.
Bất động sản không lý do gì mà trầm lắng và không lạc quan. Bây giờ là thời điểm vàng để những người từ tích lũy ít đến đầu tư lớn mua bất động sản. Giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn.
Nhiều người nói bất động sản công nghiệp là xu thế chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng nhà nhà đua nhau làm bất động sản công nghiệp là rất nguy hiểm. Bất động sản công nghiệp là phải có nhà ở cho công nhân, là một quần thể, khu công nghiệp.
Chúng ta có thể thấy cũng như bất động sản nghỉ dưỡng, chúng ta không thể thành công khi chỉ xây một khách sạn lên rồi cho thuê, chúng ta cần có những dịch vụ tiện ích xung quanh. Bất động sản công nghiệp cũng tương tự như thế, nếu không cẩn thận rất dễ thất bại.
Tôi không lạc quan quá vào bất động sản công nghiệp!