Câu chuyện của anh N.L (Quảng Ninh) là một ví dụ điển hình trong những tình huống éo le khi sổ đỏ đứng tên đồng sở hữu cả nhà.
Anh L. kể, bố mẹ anh có 500m2 đất. Cách đây hơn 10 năm, gia đình anh L. chuyển sổ đỏ và để tên 4 người con trai cùng đứng tên trên bìa đỏ. Thời điểm đó, bố mẹ anh nghĩ đơn thuần, sổ hộ khẩu có tên toàn bộ người thân trong nhà thì sổ đỏ cũng nên làm như vậy. "Ngày xưa, người ta ít khi quan tâm đến giá trị của đất đại. Như bố mẹ tôi lúc chuyển sổ thì đưa hết tên cả nhà vào mà không hề tính đến việc sau này bán hay phân chia như thế nào. Chắc bố mẹ tôi còn nghĩ, nếu bán thì cũng chỉ cần bố mẹ ký vào giấy tờ", anh L chia sẻ.
Đến năm 2019, bố anh L. bị bệnh. Chi phí điều trị ngày càng gia tăng. Anh L. cho biết, gia đình anh dự tính cắt một phần miếng đất để bán lấy tiền. Bởi tính đến thời điểm này, mảnh đất 500m2 của gia đình nằm sát khu vực một dự án bất động sản lớn. So với năm 2016, mảnh đất gia đình anh L đã tăng gấp 5 lần. Nếu chia thành 5 lô đất, trung bình mỗi mảnh có giá trị hơn 2 tỷ đồng.
"Năm 2020, một người đã đến ngỏ ý mua lại 100m2 đất trong số đó. Bố mẹ tôi đồng ý bán để dành một khoản tiền chi trả tiền viện phí và gửi tiết kiệm. Hai bên chốt và thống nhất định ngày bán. Phía người mua rất thiện chí và sẵn sàng chồng toàn bộ tiền mặt vào ngày công chứng. Bố mẹ tôi cũng nhận cọc".
Tuy nhiên, theo anh L. đến khi chuẩn bị ra công chứng chuyển nhượng, gia đình anh mới biết sẽ không thể thực hiện giao dịch.
"Mảnh đất không thể giao dịch là bởi tất cả các thành viên trong gia đình đều đứng tên trên sổ. Và nếu muốn bán, yêu cầu phải đầy đủ chữ ký xác nhận đồng ý của tất cả các thành viên.
Tuy nhiên, một người em của tôi lại đang ở nước ngoài và vì dịch bệnh nên chưa thể trở về Việt Nam nên việc chuyển nhượng giao dịch bị hoãn đến tận thời điểm hiện tại. Cả gia đình đều muốn bán vì giá đất đang lên và cũng đang cần tiền, trong khi người mua thực sự thiện chí và mong muốn giải quyết nhanh thủ tục để sang tên".
Tư vấn về trường hợp này, LS. Lê Văn Hồi cho: "Mảnh đất này là đồng sở hữu của nhiều người. Mảnh đất sẽ không thể chuyển nhượng nếu như thiếu đi sự đồng ý của một thành viên trong gia đình. Khi định đoạt tài sản chung thì phải được sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu".
Về phương án giải quyết, LS. Hồi cho rằng: "Người con đi làm ăn xa của gia đình này có thể ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc này có thể thực hiện ở văn phòng công chứng, nơi người con ở xa sinh sống mà không nhất thiết buộc phải về địa phương Quảng Ninh – vị trí của miếng đất".
Trong trường hợp, một người con không muốn bán nhưng các thành viên còn lại muốn chuyển nhượng thì các bên có thể khởi kiện để phân định tài sản chung giữa các đồng sở hữu.