Thiếu vốn, thiếu cả chính sách
Sống ven kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nhiều năm qua, ông Trần Thanh Phương (38 tuổi, trú phường 27, quận Bình Thạnh) cho biết, nhiều người dân ở đây đều mong muốn sớm được di dời và tái định cư, tuy nhiên phải có chính sách hỗ trợ phù hợp. “Mỗi đợt triều cường, nước ngập lênh láng, sạt lở thường xuyên khiến người dân thấp thỏm lo lắng nhưng vẫn đang phải chờ chính sách” - ông Phương tâm tư.
Vụ sạt lở mới nhất vào cuối tháng 6 vừa qua đã khiến một đoạn bờ kè dài hơn 220m kênh Thanh Đa thuộc phường 25 (quận Bình Thạnh) bất ngờ bị đổ sụp. Vụ sạt lở cũng đã khiến 15 căn nhà bị sụt lún, nứt tường và được UBND quận Bình Thạnh đưa vào diện ưu tiên hỗ trợ di dời hoặc chủ động tự di dời đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn.
Ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM cho biết, tiến độ di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch trong giai đoạn 2021-2025 của thành phố chậm hơn so với mục tiêu đặt ra vì nhiều nguyên nhân. Cụ thể, tính đến hết quý II/2023, thành phố mới hoàn tất công tác bồi thường, di dời được khoảng 657/6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Với tiến độ này, dự kiến đến hết năm 2025 thì thành phố mới dự kiến bồi thường, di dời được khoảng 4.250/6.500 căn, tức chỉ đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra.
Theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM, đối với các dự án di dời nhà ven kênh rạch triển khai chậm xuất phát từ nguyên nhân chính là từ năm 2020 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Do đó, nhà đầu tư không được thanh toán bằng quỹ đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch. Thay đổi luật dẫn đến việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án không còn hấp dẫn so với trước.
Hiện thành phố cũng gặp khó khăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bởi vì, quá trình các quận, huyện, đơn vị báo cáo phát sinh thực trạng đa số các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đều có pháp lý nhà, đất phức tạp. Không ít nhà xây dựng không có pháp lý về quyền sử dụng đất, kể cả việc có nhà xây không phép, sai phép, có tình trạng lấn chiếm một phần trên đất, một phần trên kênh rạch…
Kiên quyết di dời
Tại hội thảo “Vấn đề nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM” ngày 13/11, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh, chủ trương không chỉ đảm bảo an toàn cho hàng nghìn hộ dân sống ven kênh rạch hiện nay, còn là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM nhằm mục tiêu tạo lập không gian đô thị sạch đẹp, văn minh đô thị.
Theo ông An, hiện nay chủ trương di dời nhà ven kênh rạch đã được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong chương trình hành động của Thành ủy TPHCM nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X về chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố. TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM cho rằng, dù thành phố mới chỉ di dời được khoảng 12,4% nhà trên và ven kênh rạch theo kế hoạch. Tỷ lệ di dời rất thấp này phản ánh tính chất khó khăn, phức tạp và rất nhiều vướng mắc trong thực hiện các dự án di dời nhưng vẫn phải đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc di dời đến năm 2025.
Về hướng tiếp cận trong giai đoạn còn lại của kế hoạch di dời, ông Lý Thanh Long cho biết, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND thành phố quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách. Đồng thời, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các quận, huyện giải quyết dứt điểm các hộ dân chưa chịu di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường.
Sở Xây dựng cũng đang trình UBND TPHCM giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà ven kênh rạch được thuê, mua nhà ở xã hội để người dân sớm ổn định cuộc sống.