Nở rộ đầu tư farmstay
Trong vài năm gần đây, đã có một số trang trại sản xuất nông nghiệp, nhưng kết hợp kinh doanh "cơ sở lưu trú du lịch" theo mô hình "khu du lịch trải nghiệm nông thôn – farmstay", để khách du lịch lưu trú và trải nghiệm các hoạt động sản xuất, sinh hoạt tại nông thôn, tương tự như kinh doanh "nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay. Đây được xem là một sản phẩm lai kết hợp giữa 2 từ farm (nông trại) và homestay (khu lưu trú địa phương).
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Trương Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Tuấn Minh Group cho rằng, thực ra, Farmstay đã xuất hiện từ khá lâu, từ giai đoạn 2008-2012, nhưng loại hình này đã tồn tại nhiều vấn đề mà cho tới tận bây giờ vẫn chưa có hướng giải quyết. Theo đó, mô hình này có phải kênh đầu tư tốt hay không hiện vẫn còn là câu hỏi.
Tuy vậy, trong tương lai, xu hướng xanh và xu hướng xanh đồng bộ sẽ là một hướng đi quan trọng. Farmstay sẽ được xây dựng theo thể thống nhất và theo tiêu chuẩn cao cấp.
"Khi quyết định đầu tư vào hình thức này thì vấn đề cần quan tâm trước hết chính là tính pháp lý của dự án. Nhiều chủ đầu tư chào mời các sản phẩm không có pháp lý, thường là sản phẩm đi kèm bao gồm đất ở và đất nông nghiệp", ông Quang cho hay.
Hiện khá nhiều đơn vị đang xây dựng hệ thống các farmstay trải dài các điểm đến như Bình Châu – Vũng Tàu, Lagi – Bình Thuận, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long Khánh, Gia Lai, Long An, Vũng Tàu và Củ Chi (Tp.HCM). Nhiều NĐT băn khoăn với tình trạng farmstay nở rộ, việc đầu tư vào loại hình này có mang lại hiệu quả.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nếu là "dự án khu du lịch trải nghiệm nông thôn – farmstay" được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hoạt động kinh doanh du lịch, thì là điều bình thường, cũng là mô hình đáng đầu tư.
Nhưng, nếu tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng "farmstay", mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì cần phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Liệu có rủi ro?
Mô hình này hiện đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia với các cam kết và chính sách lợi nhuận vô cùng hấp dẫn. Đơn cử như, sau 3 năm sẽ có sổ đỏ; gia đình được cung cấp rau sạch số đêm nghỉ; tỷ suất lợi nhuận từ 15- 20%; nếu không hỗ trợ làm sổ đỏ được, sẽ mua lại bằng mức 124% giá ban đầu…
Theo ghi nhận, mô hình farmstay mới xuất hiện trên thị trường theo xu hướng BĐS nghỉ dưỡng sinh thái. Đây là sản phẩm còn mới nên chưa được kiểm nghiệm về cách thức vận hành, tỷ suất sinh lời.
Bên cạnh đó, tính pháp lý còn lỏng lẻo, vì đa phần là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp làm trang trại kết hợp nghỉ dưỡng. Thêm nữa, khi nhà đầu tư mua thường không có sổ đỏ, mà chỉ có hợp đồng và cam kết thời hạn làm được sổ đỏ.
Trước đó, GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ, farmstay cũng chỉ là một hình thức kinh tế chia sẻ, tính pháp lý chưa rõ ràng. Cũng như condotel, farmstay rất cần khung pháp lý cho mô hình kinh tế này. Tư duy của các nhà quản lý chưa có khái niệm kinh tế chia sẻ, mà chỉ hiểu như kinh tế truyền thống. Do đó, mô hình này vẫn còn đang rất mới mẻ, chứa đựng nhiều rủi ro.
"Như vậy có thể thấy, tính pháp lý của farmstay chưa rõ ràng, sổ đỏ chưa được cấp mà chỉ có sự cam kết của chủ đầu tư về lợi nhuận, quản lý. Tôi không thể có lời khuyên cho khách hàng có nên đầu tư hay không. Điều trước tiên khách hàng phải tìm hiểu chủ đầu tư có uy tín, năng lực không? Lợi nhuận ra sao, đầu tư sẽ được gì và mất gì? Đây là mối quan hệ dân sự trong quan hệ thương mại", ông Võ từng chia sẻ.
Một vị luật sư cũng từng cho biết, trong trường hợp không ra được sổ đỏ, chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết mua lại farmstay với mức 124% giá ban đầu thì chính người mua cũng gặp thiệt thòi, vì số tiền chênh lệch 24% đó không bằng tiền gửi tiết kiệm, hay đầu tư vào kênh BĐS khác như nhà đất, căn hộ chung cư…
Từ thực trạng trên, Hiệp hội BĐS Tp.HCM kiến nghị các doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ, để thực hiện các dự án đầu tư, kể cả dự án "farmstay", thì phải lập "dự án đầu tư" theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh BĐS, pháp luật về du lịch, phải phù hợp với quy hoạch và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận.