Các doanh nghiệp xây dựng lao đao vì cơn "bão giá thép"

"Cơn bão" giá thép đang khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", thậm chí phải chấp nhận dừng thi công, hủy hợp đồng vì càng làm càng lỗ. Tình hình kinh doanh khó khăn đã khiến cổ phiếu ngành xây dựng "cắm đầu" lao dốc trong nhiều tháng nay.

Giá thép tăng bất thường

Từ cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép như: Thép Hòa Phát, thép Thái Nguyên, thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép được liên tục điều chỉnh báo giá, có khi trong 1 tuần thay đổi vài lần đẩy giá thép trong nước lên mức cao kỷ lục, tăng đến 48% so với cuối năm 2020.

Cụ thể, đối với thép tròn cuối năm 2020 có giá 13 triệu đồng/tấn thì quý 2/2021 đã tăng lên 19 triệu đồng/tấn. Thép hình và thép tấm cũng ghi nhận mức tăng phi mã. Hồi đầu năm nay hai loại thép này có giá 15 - 16 triệu đồng/tấn thì hiện đã lên tới 24 - 25 triệu đồng/tấn, tăng 66% chỉ trong vòng vài tháng.

Sự biến động tăng giá của nguyên vật liệu xây dựng đã khiến thị trường xây dựng trở nên náo loạn, thành "ác mộng" của các nhà thầu, nhất là đối với các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá. Chi phí cho thép chiếm khoảng 20-25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 30% chi phí xây dựng căn nhà liền kề, như vậy, giá thép tăng cao cùng với các chi phí khác sẽ đội giá công trình lên khoảng 10-15%.

Không chỉ bị tác động bởi giá thép, ngành xây dựng tiếp tục chịu những tổn thất nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19 khi hoạt động xây dựng bị đứt gẫy bởi các đợt giãn cách xã hội. Cùng với đó, dịch bệnh khiến thanh khoản các phân khúc chung cư, biệt thự, liền kề bị chậm đẩy các chủ đầu tư vào tình cảnh khó khăn về tài chính, làm tăng nguy cơ nợ đọng xây dựng tại các công trình đã triển khai xây dựng xong.

Tình trạng "một cổ hai tròng" đang khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng vốn có biên lợi nhuận mỏng nay lại thêm nỗi lo càng làm càng lỗ do giá thép tăng phi mã, vốn bị chôn do chủ đầu tư khó khăn không thanh toán. Một số nhà thầu chọn cách giãn đoạn xây dựng để chờ giá thép "hạ nhiệt", tuy nhiên điều này dẫn đến việc bàn giao các công trình dân dụng như nhà ở bị chậm, phát sinh nhiều chi phí. Kéo theo đó quy mô, số lượng các dự án xây dựng cũng giảm xuống, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp xây dựng.

Cổ phiếu ngành xây dựng lao đao

Phản ứng tức thì với đà tăng của giá thép, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành xây dựng cắm đầu lao dốc không phanh bởi nhà thầu thi công bị đánh giá là bất lợi do các chủ đầu tư đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký. Các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này dẫn đến bào mòn lợi nhuận vốn dĩ mỏng manh của doanh nghiệp.

Điển hình như là "ông lớn" CTD (Công ty CP Xây dựng Coteccons) hiện đang giao dịch ở mức giá 63.000 đồng/CP, giảm khoảng 15% từ vùng giá 77.000 đồng/CP hồi giữa tháng 3/2021. Tương tự, cổ phiếu HBC (Xây dựng Hòa Bình) cũng giảm mạnh xuống 15.200 đồng/CP  từ mức 18.000 đồng/CP hồi giữa tháng 4. Cổ phiếu ACC (Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC) sụt giảm khoảng 15%, từ vùng giá hơn 17.000 đồng/CP, về mức giá 14.850 đồng/CP như hiện tại.

Các doanh nghiệp xây dựng lao đao vì cơn bão giá thép - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu Contecon, Hòa Bình, Xây dựng Bình Dương ACC trong 6 tháng đầu năm 2021, riêng SCG mới lên sàn nhưng cũng liên tục giảm mạnh.

Một số cổ phiếu khác của các ông lớn khác trong ngành xây dựng cũng có mức độ sụt giảm lớn trong thời gian gần đây như cổ phiếu HTN của Hưng Thịnh Icons; cổ phiếu EVG của Tập đoàn Everland, FCN vủa Công ty Cổ phần Fecon, HVH của HVC Group…Đặc biệt, SCG là một doanh nghiệp xây dựng mới nổi thời gian gần đây cũng ghi nhận sự trồi sụt mạnh mẽ trong suốt thời gian vừa qua từ mức 81.000 đồng/CP hồi tháng 4 còn 55.000 đồng/CP thời điểm hiện tại.

Nhìn vào mức giảm của các cổ phiếu ngành xây dựng nói trên có thể thấy so với giai đoạn tăng trưởng nóng của mỗi cổ phiếu xây dựng thì mức giá hiện tại được cho là đã khá rẻ. Về mặt lý thuyết, khi một cổ phiếu về vùng giá thấp là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư mua vào. Tuy nhiên, lý thuyết này có vẻ không đúng với cổ phiếu nhóm ngành xây dựng, bởi sức hấp dẫn của một cổ phiếu không chỉ nằm ở thị giá đắt hay rẻ, mà còn phụ thuộc vào yếu tố tiềm năng tăng trưởng của ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng được thể hiện ở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về các cổ phiếu ngành xây dựng, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết các cổ phiếu ngành xây dựng đang gặp nhiều thử thách, bắt nguồn từ một nguyên nhân chung đó là các doanh nghiệp ngành xây dựng đang phải đối mặt với việc giá nguyên vật liệu tăng đột biến có thể ăn mòn lợi nhuận, khiến các dự án đội chi phí dẫn tới lỗ nặng

Cũng theo VDSC, các nhà thầu có quy mô hoạt động lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro dòng tiền tăng khi không nhiều chủ đầu tư duy trì được nguồn tiền do tác động của Covid-19. Cùng với đó, việc cạnh tranh giá thầu sẽ ngày càng gay gắt, gây sức ép lên biên lợi nhuận vốn đã mỏng của ngành xây dựng. Cuối cùng, VDSC cho rằng các tổng thầu dân dụng sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng, thậm chí sẽ ghi nhận doanh thu giảm trong năm 2021.