Mới đây, UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đã ban hành văn bản về việc phân bổ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Theo văn bản, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ dự án/chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch và cam kết đã đề ra.
Trường hợp đánh giá chậm tiến độ theo kế hoạch thì tổ chức làm việc tăng ca hoặc có biện pháp chế tài, xử lý đối với nhà thầu chậm tiến độ, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí trong năm 2021 (bao gồm nguồn vốn ODA). Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư/chủ dự án chịu trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về kết quả giải ngân không đạt yêu cầu.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện (địa phương còn đang vướng mặt bằng), có biện pháp phù hợp và kế hoạch thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và kết quả giải ngân.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ và các đơn vị có liên quan rà soát việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công năm 2021 và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, tham mưu UBND thành phố có văn bản báo cáo, kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề xuất về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý còn chồng chéo.
Đồng thời, theo dõi chặt tiến độ thực hiện các dự án và số liệu giải ngân, tổng hợp số liệu, tham mưu, đề xuất việc điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, trình UBND thành phố xem xét, giải quyết kịp thời các vướng mắc theo thẩm quyền.
Theo UBND Tp.Cần Thơ, ước 6 tháng đầu năm 2021, kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công thực hiện 1.802 tỷ đồng/tổng số 7.508 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 24% kế hoạch phân bổ (ngân sách địa phương giải ngân 1.196 tỷ đồng/5.982 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch).
Tỉ lệ giải ngân vốn này đạt thấp. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn chậm, năng lực nhà thầu hạn chế, giá cát và giá thép xây dựng tăng mạnh, các dự án đầu tư đã và đang triển khai khi thực hiện bị ảnh hưởng, các nhà thầu thi công cầm chừng, chờ giá cát và giá thép giảm xuống.