Cà Mau thông qua nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, quy mô hơn 10.800ha

Mới đây, HĐND tỉnh Cà Mau vừa ban hành nghị quyết về nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn đến năm 2040, quy mô lên tới 10.801,95 ha.

Cụ thể, vị trí Khu Kinh tế Năm Căn nằm dọc theo hành lang trục Quốc lộ 1, thuộc địa bàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bao gồm: Thị trấn Năm Căn; xã Hàm Rồng; xã Hàng Vịnh và ấp Ông Do, ấp Ông Chừng của xã Đất Mới. Quy mô diện tích là 10.801,95 ha.

Quy mô diện tích đất xây dựng Khu kinh tế Năm Căn đến giai đoạn định hình khoảng 4.800 - 6.860 ha. 

Trong đó, đất xây dựng trung tâm Khu kinh tế 80 - 160 ha; đất xây dựng đô thị 1.120 - 1.300 ha; đất xây dựng các khu chức năng 3.600 - 5.400 ha; đất xây dựng điểm dân cư nông thôn 200 - 300 ha; đất tự nhiên 3.690 - 5.800 ha.

Mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Năm Căn phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển của tỉnh Cà Mau, đặc biệt về kinh tế biển. Trong đó, Khu kinh tế Năm Căn sẽ là hạt nhân của thị xã Năm Căn, đô thị loại III vào năm 2025.

Xây dựng khu kinh tế biển đảo, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hình thành một khu kinh tế có phân khu chức năng hợp lý, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, hiện đại, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả, khai thác tốt địa hình sông nước nhưng vẫn đảm bảo cân bằng sinh thái, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến tăng trưởng xanh.

Theo tìm hiểu, Khu kinh tế Năm Căn, được thành lập năm 2010 tại Quyết định số 66/2010/QĐ-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu kinh tế Năm Căn là Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành gồm khu phi thuế quan (công nghiệp - thương mại - dịch vụ) và khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng); là đầu mối giao thương phía Nam của tỉnh Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế.

Có thế mạnh về các ngành nghề: Công nghiệp cơ khí, đóng mới sửa chữa tàu biển, lắp ráp máy, điện tử; công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu; công nghiệp và dịch vụ Dầu Khí, may mặc, vật liệu xây dựng; du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển và du lịch biển đảo; kinh tế cảng, khu phi thuế quan gắn với cảng và dân cư đô thị; công nghiệp sản xuất, gia công, tái chế, hàng tiêu dùng, xuất khẩu, phục vụ tại chỗ; thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu; siêu thị miễn thuế, thương mại dịch vụ khác như phân loại, đóng gói, vận chuyển - giao nhận hàng hóa quá cảnh; kho hàng, kho ngoại quan; viễn thông, tài chính - ngân hàng,…