Bỏ khung giá đất là cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy sang cơ chế thị trường

Ngày 30/8, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, tổ chức Hội thảo: “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai”.

Sự ra đời của Luật Đất đai năm 2013 đã thực sự tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW/2012 và Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại, bất cập.

Trong đó, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp tiến trình phát triển của thực tiễn. Đáng chú ý, có những vấn đề chưa giải quyết được triệt để nảy sinh trước đó. Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người...

Bỏ khung giá đất là cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy sang cơ chế thị trường - Ảnh 1.

TS. Mai Văn Phấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, cho biết Tổng cục Quản lý đất đai nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến Luật Đất đai 2013 theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, bởi đây là luật có phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng, liên quan nhiều luật và trên thực tế thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Đến nay, Tổng cục đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp xác đáng. Hiện vẫn đang tiếp nhận, rà soát, sàng lọc để đưa vào Dự thảo luật Đất đai sửa đổi, đảm bảo tiến độ, kế hoạch trình Chính phủ, Quốc hội.

GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần bãi bỏ khung giá đất, xây dựng khung giá đất sát giá thị trường. Đây là cuộc cách mạng, thay đổi về tư duy quản lý từ biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường. Cần có quyết tâm chính trị cao để có thể xóa bỏ cơ chế xin - cho, các yếu tố tính cá nhân, bởi đây là những rào cản, động chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều đối tượng.

Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cần phân định giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai, bảng giá đất phải phù hợp với giá trị thị trường và cập nhật giá đất hàng năm, quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp, bổ sung thu hồi đất do vi phạm về luật đất đai.

“Để chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, đối với đất riêng lẻ cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân chung. Nợ thuế vượt quá 50% giá trị thửa đất thì thu hồi đất do vi phạm nghĩa vụ tài chính đất đai. Sửa đổi quy định về kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất vùng phụ cận các dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang đô thị, các dự án phát triển kinh tế làm gia tăng giá trị đất liền kề”, ông Cường nói.

Bỏ khung giá đất là cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy sang cơ chế thị trường - Ảnh 2.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đánh giá vấn đề đất đai nông lâm trường, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại một số công ty còn phải tiếp tục xử lý, nhất là đối với diện tích khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư; hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn chưa cao. Diện tích đất bàn giao về địa phương mới được thực hiện khoảng 50% so với theo phương án được duyệt.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề chính như: Xác định giá đất theo cơ chế thị trường; Phương pháp định giá đất và tổ chức định giá; Thuế đất hạn chế đầu cơ và điều tiết giá trị tăng thêm từ đất; Thu hồi và chính sách bồi thường khi thu hồi đất; Hoàn thiện các cơ chế, chính sách kinh tế khác về đất đai.