Sửa Luật đất đai, số phận condotel sẽ đi về đâu?

VCCI cho rằng, rất khó để phân định đất xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng thuộc loại đất gì và sử dụng như thế nào.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản phải hồi đề nghị của Bộ Tư pháp về việc tham gia thẩm định Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, đơn vị này cho biết, Mục 2 Chương XII Dự thảo quy định về các loại đất và chế độ sử dụng đất tương ứng. Tuy nhiên, rất khó để phân định đất để xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng, condotel, biệt thự biển,... thuộc loại đất gì và chế độ sử dụng đất như thế nào.

"Trên thực tế, có nhiều dự án nghỉ dưỡng để xây dựng căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đã được cơ quan nhà nước chấp thuận cho các chủ đầu tư thực hiện theo hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở", văn bản nêu rõ.

Tuy nhiên,VCCI cho biết, hiện nay, theo phản ánh của doanh nghiệp, các văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương đều dừng việc xử lý và cấp Giấy chứng nhận cho khách hàng mua sản phẩm nghỉ dưỡng trên đất ở không hình thành đơn vị ở với lý do chưa có cơ chế pháp lý quy định. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng và chủ đầu tư tại Dự thảo cũng như ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.

Để giải quyết trường hợp này, VCCI đề nghị Dự thảo quy định rõ chế độ sử dụng đất đối với các dạng bất động sản nêu trên, đồng thời quy định chuyển tiếp cho các dự án bất động sản có tính chất này trước thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.

Bên cạnh đó, đơn vị này cho rằng, một số quy định tại dự thảo Luật Đất đai chưa đảm bảo tính thống nhất, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động đầu tư.

Đơn cử, theo quy định tại Điều 6 dự thảo "cá nhân người nước ngoài" không được xem là người sử dụng đất, không được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.

Sửa Luật đất đai, số phận condotel sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

VCCI cho rằng quy định này cần được xem xét lại để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Bởi, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Nhà ở 2014 thì người nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng theo dự thảo thì lại không được thừa nhận quyền sử dụng đất.

"Điều này dường như chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 "việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất".

"Mặt khác, nếu người nước ngoài bán nhà cho người Việt Nam thì người mua có được thừa nhận quyền sử dụng đất không? Vô hình trung, quyền của người mua là người Việt Nam sẽ không được đảm bảo", VCCI đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, theo VCCI, một số quy định tại Dự thảo chưa thực sự đảm bảo thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.

Cụ thể, Điều 78, Dự thảo đưa ra phương án khi sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư không thuộc dự án đô thị, nhà ở thương mại, chủ đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo VCCI, không rõ tại sao chủ đầu tư lại không được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại?

Đơn vị này đánh giá, Quy định tại Dự thảo là chưa đảm bảo quyền của người sử dụng đất, không khuyến khích đầu tư xây dựng dự án đô thị và nhà ở thương mại, trong khi hiện tại, nhu cầu về nhà ở còn cao. Trên thực tế, có rất nhiều cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng đất, nhưng không đủ khả năng thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, nên họ có nhu cầu được góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các dự án nói trên.

"Đề nghị giải trình rõ về vấn đề này, trong trường hợp không giải trình thuyết phục cân nhắc bỏ quy định này", VCCI đề nghi.