Ban điều hành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa có văn bản gửi HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, kiến nghị tạm dừng thi công dự án. Nguyên nhân cụ thể là ngày 17/4 mới đây, doanh nghiệp dự án (DNDA) là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhận được văn bản số 3033/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Yêu cầu Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan đơn vị có liên quan giám sát chặt chẽ chất lượng thi công dự án nêu trên theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm tương tự như thời gian vừa qua”.
Trước đó, ngày 8/4, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về chất lượng thi công dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Tuy nhiên, theo DNDA, Bộ GTVT đã không có sự phối hợp với chủ đầu tư mà đơn phương có văn bản gửi Thủ tướng nên nội dung báo cáo không đúng với thực tế vấn đề vật liệu tại gói thầu XL10 của dự án, gây hiểu lầm về chất lượng, không có cơ sở để chủ đầu tư tiếp tục triển khai làm rõ các vi phạm, dẫn đến nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu không thể tiếp tục thi công các bước tiếp theo.
“Khi làm đúng quy trình cũng bị cho là vi phạm, nên chúng tôi kiến nghị HĐQT cho tạm dừng dự án để xác minh làm rõ” - ông Nguyễn Tấn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết.
Công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Cảnh Kỳ
DNDA lý giải, trên thực tế, đối với nguồn vật liệu cấp phối đá dăm (CPĐD) gia tải cho gói thầu XL10 đã được chủ đầu tư tổ chức kiểm tra, chấp thuận nguồn gốc CPĐD loại 1 theo quy định. Ngày 27/3/2020, nhà cung cấp vận chuyển 1 xà lan 310m3 CPĐD loại 1 (tương đương 135 triệu đồng) về tập kết tại gói thầu XL10.
Đây là đợt tập kết đá gia tải đầu tiên của gói thầu XL10, tất cả vật liệu CPĐD chưa đến bước đưa vào sử dụng làm móng mặt đường. Tư vấn giám sát đã lấy mẫu thí nghiệm, kiểm tra và công bố đạt yêu cầu chất lượng. Hiện dự án đang thực hiện gia tải, là bước chất tải để tăng tốc độ cố kết của nền đất yếu. Theo hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật đã được Bộ GTVT chấp thuận, vật liệu dùng để gia tải có thể là cát, CPĐD hoặc các loại vật liệu khác.
Chất lượng 310m3 CPĐD nói trên đạt yêu cầu để gia tải và tuân thủ theo quy định về quản lý chất lượng công trình. Tuy nhiên, chủ đầu tư yêu cầu nhà cung cấp phải chứng minh được quy trình sản xuất vật liệu phù hợp theo quy định, nên chưa đưa vào sử dụng. Nếu nhà cung cấp chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục thì khối lượng này sẽ được thanh thải khi kết thúc công tác gia tải mà không sử dụng để làm vật liệu đắp nền đường.
“Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và đồng tình với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là giám sát chặt chẽ chất lượng thi công dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do không rõ ràng, báo cáo không trung thực khi không thể tìm ra nguyên nhân vi phạm thì làm sao tránh khỏi việc sẽ vi phạm xảy ra tương tự và cũng sẽ ảnh hưởng xấu tiến độ dự án” – ông Đông nêu vấn đề và đề nghị Bộ GTVT chỉ rõ việc vi phạm và hướng dẫn để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Cũng theo DNDA, sau khi kiểm tra, vẫn chưa xác định trong thời gian qua đã để xảy ra vi phạm nào như ý kiến của Bộ GTVT. Ban điều hành đã báo cáo HĐQT xin “tạm dừng dự án” để tìm hiểu rõ vi phạm ở khâu nào, xác minh lại tính đúng đắn của chỉ dẫn kỹ thuật đã được Bộ GTVT thẩm định.
“Dù biết rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thông tuyến 2020, nhưng nếu tiếp tục triển khai khi không rõ vi phạm ở khâu nào sẽ rủi ro cho các bên tham gia. Do đó, cần xác định rõ do chỉ dẫn kỹ thuật của dự án đã được Bộ GTVT thẩm định không đúng, hay do nhà thầu thực hiện sai quy trình gia tải? Hoặc do báo cáo của Bộ GTVT với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề 310m3 đá phục vụ gia tải đã thiếu khách quan, thiếu trung thực?” – đại diện DNDA cho hay.