Ngày 24-10, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XV, đã nói về những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, đặc biệt là giải pháp tháo gỡ cho các dự án "đắp chiếu" từ 10 đến 20 năm gây lãng phí nguồn lực, nhân dân bức xúc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu.
Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai, vừa qua thành phố đã hủy hơn 100 dự án. Sau khi thu hồi, thành phố làm quy trình đấu thầu, đấu giá hàng ngàn ha.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng vừa qua chúng ta có nhiều quyết sách, chủ trương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản nhưng hiệu quả thực chất vẫn còn hạn chế do gặp phải những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Từ thực tiễn ở Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết trước đây nhiều doanh nghiệp được giao đất thực hiện dự án mà không qua đấu thầu. Doanh nghiệp nhận đất nhưng không thực hiện dự án gây lãng phí.
Về nhiều dự án "đắp chiếu" ở Hà Nội, theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nếu theo quy định pháp luật hiện nay thì việc giao đất cho doanh nghiệp như vậy là sai. Trước đây, không đấu thầu, không đấu giá, chỉ giao như vậy là doanh nghiệp bỏ vốn ra làm, cái thì giải phóng mặt bằng xong, cái đầu tư hạ tầng nửa vời.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết để làm tiếp các dự án như trên "cũng thấy lo" vì không biết tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế bằng cách nào. Để các dự án này "chạy" được, phải chăng Quốc hội cho giám sát tổng thể, sau đó cho chủ trương tính đúng, tính đủ theo giá đất hiện nay, dự án nào không có khả năng triển khai tiếp thì thu hồi.
Nếu giải quyết được các dự án chậm triển khai sẽ kích thích được thị trường bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm. Ngoài ra, nó còn góp phần thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Một vấn đề khác cũng được Bí thư Thành ủy Hà Nội quan tâm là về tự chủ sự nghiệp công lập. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng đây là vấn đề đại sự, đã có nghị quyết trung ương về vấn đề này. Tuy nhiên vấn đề thể chế hoá đang lúng túng, còn nhiều vướng mắc cả trung ương lẫn địa phương.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mấu chốt là phải có được hệ thống định mức đơn giá cho khối sự nghiệp (y tế, giáo dục…). Kể từ khi có nghị định năm 2015 đến nay, những ngành chủ chốt vẫn chưa có định mức kỹ thuật, nghị định con… Quốc hội kiểm lại là vẫn nợ.
"Hiện việc thể chế hoá đang lúng túng. Giá y tế và giá giáo dục, giá điện… là rất nhạy cảm, ở địa phương thì giá nước sạch… phải làm đủ mọi cách để điều chỉnh. Một phần phải giảm chi thường xuyên, một phần phải đẩy tự chủ nhưng những vấn đề này không giải quyết được thì khó lắm, cứ lắt nhắt, quẩn quanh với nhau" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, "cực chẳng đã" nên Hà Nội có cách làm riêng về giáo dục. Hà Nội đưa ra giá thí điểm cho ngành giáo dục, về vấn đề này, Thành ủy Hà Nội họp thống nhất, đưa ra HĐND TP họp, có nghị quyết để áp dụng toàn thành phố, đến nay có gần 300 trường trên toàn thành phố áp dụng thí điểm. Mục tiêu việc thí điểm này là chuyển cấp ngân sách sang đặt hàng để học sinh thụ hưởng chứ không phải nhà trường thụ hưởng. Khi đặt hàng rồi thì các trường đào tạo công lập chuyển dần sang tự chủ, từ đó cũng giải quyết dần về thiếu giáo viên, biên chế. Thành phố vẫn đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo giáo viên cho các trường.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay thành phố vẫn ra khung học phí theo khung nghị định của Chính phủ nhưng Hà Nội bỏ ngân sách gần 1.500 tỉ đồng/năm để hỗ trợ 50% học phí, từ hồi COVID-19 đã hỗ trợ, giờ thêm cách làm này nữa theo Bí thư Thành ủy Hà Nội là tương đối phù hợp. "Giá thí điểm để thực hiện thí điểm. Pháp lý không có thì bắt buộc phải làm thí điểm, cách làm của Hà Nội là như thế, về lâu dài nếu tốt nữa sẽ miễn học phí, thành phố bỏ toàn bộ ra hỗ trợ (khoảng 3.000 tỉ đồng)" - Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết.