Bất động sản Cần Thơ những năm trước 2004
Về quy mô, sau khi tách khỏi tỉnh Hậu Giang ngày 26/12/1991, đến tháng 4/1992, Tỉnh Cần Thơ mới chính thức được tái lập và đi vào hoạt động trở lại. Tính đến cuối năm 2003, tỉnh Cần Thơ gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc: thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Ô Môn, huyện Thốt Nốt.
Thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ khi đó gồm 15 phường: An Cư, An Hòa, An Hội, An Lạc, An Nghiệp, An Phú, An Thới, Bình Thủy, Cái Khế, Hưng Lợi, Hưng Phú, Tân An, Thới Bình, Trà Nóc, Xuân Khánh và 7 xã: An Bình, Giai Xuân, Hưng Thạnh, Long Hòa, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Thới An Đông.
Thời điểm bấy giờ, thị trường bất động sản tại Cần Thơ gần như không được các nhà đầu tư chú ý tới. Đơn giá đất nhà nước theo quyết định số 1279/1998/QĐ-UBT được ban hành ngày 05/06/1998 cao nhất chỉ là 2,6 triệu/m2 cho cho vị trí 1 tại Cần Thơ.
2004: Cần Thơ lên Thành phố trực thuộc Trung ương - Giá đất tăng mạnh
Ngày 26/11/2003, theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội Việt Nam, tỉnh Cần Thơ chia thành Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và Tỉnh Hậu Giang. Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên là 138.959,99 ha và dân số hiện tại hơn 1,2 triệu người.
Ngày 01/01/2004 đánh dấu cột mốc quan trọng của thành phố Cần Thơ khi chính thức trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 24/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg, công nhận thành phố Cần Thơ là Đô thị loại I. Từ đây, thành phố Cần Thơ liên tục trên đà phát triển mạnh mẽ.
Bản đồ hành chính Thành phố Cần Thơ.
Sau khi lên Thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị loại I, Cần Thơ đã tập trung nguồn vốn lớn đồng loạt phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, văn hóa xã hội và y tế. Bên cạnh cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, Quốc lộ 91B cùng nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, Thành phố Cần Thơ còn đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ là sân bay lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chính thức đi vào hoạt động khai thác thương mại các tuyến Quốc nội từ 3/1/2009 và mở các tuyến bay Quốc tế vào cuối năm 2010.
Cần Thơ sở hữu nhiều Khu công nghiệp, công nghệ cao như: Khu CNTT tập trung Cần Thơ, Khu Nông Nghiệp Công Nghệ Cao, KCN Trà Nóc, KCN Hưng Phú, KCN Ô Môn, v.v.
Về giáo dục, Cần Thơ sở hữu nhiều trường Đại học lớn như: Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, Đại học FPT, Đại học Greenwich, Trường Quốc tế Singapore, v.v.
Về y tế, Cần Thơ có Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Cần Thơ, Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Quân Y, v.v.
Cần Thơ cũng đã phát triển nhiều khu TTTM, dịch vụ lớn như: Tổ hợp Vincom Xuân Khánh, Vincom Hùng Vương, Khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang, Khu Thương mại Tây Đô, Trung tâm thương mại Cái Khế, v.v.
Sự phát triển kể trên đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và gia tăng dân số cơ học. Từ đó, nhu cầu về bất động sản của thành phố Cần Thơ ngày càng tăng cao, tạo đà tăng giá cho bất động sản nơi đây. Điều này thể hiện rõ trên bảng giá đất nhà nước tại Thành phố Cần Thơ qua các giai đoạn. Nếu như trước đó, giá đất tại vị trí đẹp nhất của Cần Thơ chỉ là 2,6 triệu/m2, thì đến năm 2004, con số này tăng lên thành 4 triệu/m2.
Năm 2009, Thành phố Cần Thơ được công nhận là Đô thị loại I, là cột mốc đánh dấu tốc độ tăng phi mã của bất động sản Cần Thơ, với giá đất tại vị trí 1 trên đường Hai Bà Trưng lên tới 25 triệu/m2, biên độ tăng giá lên đến 625%. Đến nay, theo bảng giá nhà nước giai đoạn 2020 - 2024, tại cùng vị trí ấy trên đường Hai Bà Trưng, giá đã lên tới 48 triệu/m2. Mức giá thị trường hiện tại trên đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều lên đến 310 triệu/m2.
Như vậy, có thể thấy sức mạnh của việc quy hoạch phát triển đô thị đồng bộ có sức ảnh hưởng lớn như thế nào tới không chỉ đời sống xã hội, diện mạo đô thị, mà đặc biệt là giá trị bất động sản của địa phương đó.