Bất động sản Phát Đạt (PDR) rót lập công ty phát triển khu công nghiệp

Tính đến 30/6/2020, tổng tài sản PDR ở mức 14.319 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn và phải thu, tiềm lực tài chính Công ty khá thấp với số dư tiền mặt chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu. Ngược lại, chỉ số nợ PDR vẫn ở mức cao, đi cùng khoản vay ngân hàng ngắn hạn 1.718 tỷ đồng, PDR đẩy mạnh kênh trái phiếu với hàng ngàn tỷ đồng.

HĐQT Bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Khu Công nghiệp Phát Đạt với vốn điều lệ 680 tỷ đồng, trong đó PDR sở hữu 68% vốn. Bà Trần Thị Hường, Phó Chủ tịch HĐQT PDR sẽ làm người đại diện theo ủy quyền quản lý toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt được toàn quyền thay mặt HĐQT quyết định tất cả các nội dung liên quan đến việc đầu tư và phát triển Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ, bao gồm tìm kiếm địa điểm, quỹ đất, lựa chọn đối tác, quyết định giá nhận chuyển nhượng và giá thuê đất...

Sau khi được thành lập và tùy thuộc vào quy mô phát triển của công ty, ông Đạt cũng được quyền quyết định tăng hoặc giảm phần vốn góp của PDR tại Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt.

Là một đơn vị chuyên phát triển dự án, đây có thể là bước khởi đầu PDR muốn lấn sân BĐS khu công nghiệp. Khi mà, giá thuê tăng, nhu cầu ngày càng cao trước làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, cùng với chính sách thu hút FDI từ Chính phủ đang tạo một triển vọng mới cho mảng BĐS khu công nghiệp. Chưa kể, Việt Nam chủ trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư công cũng là tín hiệu tốt để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Lạc quan là vậy, BĐS khu công nghiệp thực tế không phải là lĩnh vực dễ tham gia khi hàng loạt các tên tuổi lớn đang phân chia thị phần. Theo giới phân tích, những doanh nghiệp có quỹ đất lớn và sẵn sàng khai thác mới có thể hưởng lợi từ những cơ hội mới (kể trên).

Về phần PDR, sau cơn bĩ cực ở dự án The EverRich, Công ty những năm gần đây đang dần hồi phục sau công cuộc tái cấu trúc quyết liệt. Giảm bớt gánh nặng nợ vay, PDR cũng xác định chiến lược trọng tâm là khu vực lân cận Tp.HCM, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của BĐS du lịch. Trong đó, Công ty hiện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tiếp tục bàn giao một số nền đất tại Dự án Phân khu số 2 thuộc Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội – tỉnh Bình Định.

Về kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần PDR đạt gần 1.182 tỷ đồng, giảm đến 40% so với nửa đầu năm ngoái. Trừ hết các loại chi phí phát sinh, Công ty ghi nhận lãi sau thuế 279 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng 15,6%. So với kế hoạch, PDR mới chỉ thực hiện 23,3% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Tính đến 30/6/2020, tổng tài sản PDR ở mức 14.319 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn và phải thu, tiềm lực tài chính Công ty khá thấp với số dư tiền mặt chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu. Ngược lại, chỉ số nợ PDR vẫn ở mức cao, đi cùng khoản vay ngân hàng ngắn hạn 1.718 tỷ đồng, PDR đẩy mạnh kênh trái phiếu với hàng ngàn tỷ đồng.