Nói về khó khăn của doanh nghiệp BĐS hiện tại, ông Dũng kể về câu chuyện "dở khóc dở cười" mà tập đoàn này gặp vướng mắc pháp lý trong quá trình tham gia thị trường địa ốc. Bắt đầu vào lĩnh vực địa ốc từ năm 2006, ông Dũng nhớ lại, bất động sản trước đây được cho là phi hàng hoá, không đưa vào danh mục ưu tiên phát triển, ví như "con ghẻ, con nuôi" của nền kinh tế, trong khi ngành này ảnh hưởng đến hàng trăm ngành kinh tế khác.
Có những chính sách 20 năm chưa thay đổi, không phù hợp với thị trường. Ông Dũng lấy dẫn chứng, chu đất tại ngã tư Hàng Bài (Hà Nội) của Tân Hoàng Minh mua từ năm 2007, nhưng đến giờ vẫn chưa xây được sau 14 năm chờ giải toả mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý về tính giá đất.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng nhấn mạnh nếu không vướng mắc pháp lý thì tiến độ xây dựng tiến độ dự án sẽ nhanh hơn rất nhiều. "Tôi muốn thủ tục hành chính ngắn gọn lại trong vòng một năm thôi. Chính sách của chính phủ phải cập nhật với thị trường từng năm để có thể điều chỉnh kịp thời. Nếu nhu cầu thay đổi thì chính phủ cũng phải linh hoạt thay đổi". Quy luật cung cầu của thị trường phải áp dụng triệt để trong lĩnh vực bất động sản.
Chính sách về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước phải nhất quán, không được thay đổi giữa chừng. Lãi suất, kỳ hạn phải không được thay đổi, không được xiết.
"Chính phủ đang có những chính sách, gói tín dụng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp BĐS chúng tôi không cần chính phủ hoãn thuế đất trong vòng vài tháng, hay cứu trợ bằng tiền mặt. Chúng tôi chỉ mong Chính phủ giải quyết ngay các cơ chế chính sách đang khiến hàng nghìn dự án BĐS ách tắc", ông Dũng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Dũng, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng bất động sản phát triển tốt sẽ lan toả đến những ngành nghề khác. Nếu không có bất động sản thì mất đi một khoản thu lớn của mỗi địa phương.
Ông Quyết dẫn ví dụ về quê hương Vĩnh Phúc, địa phương đấu giá nhiều miếng đất để lấy tiền đầu tư cở sở hạ tầng. Doanh nghiệp bất động sản cũng như vậy, tìm kiếm cơ hội để đầu tư và bán sản phẩm. Một phần nguồn thu này là đóng góp cho ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội.
"Chúng tôi đóng hàng nghìn tỷ tiền thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp mỗi năm. Đây chính là một phần đội lên trong giá bất động sản. Chưa kể, chúng tôi còn chi trả các khoản phí khác trong vận hành doanh nghiệp", ông Quyết chia sẻ.
Tiếp nối các ý kiến về câu chuyện pháp lý mà các doanh nhân đã nêu, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch công ty kiểm toán Deloit cho biết, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đã bàn nhiều vấn đề thăng trầm, được mất trong 10 năm qua. Song những hành động để vượt qua khó khăn, khủng hoảng thì rất khó để trả lời. Từ góc độ của một tư vấn pháp luật, bà nhận thấy đã đủ một chu kỳ 10 năm để thị trường có sự thay đổi.
"Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều đến việc thay đổi, phục hồi nhưng còn có quá nhiều vướng mắc pháp lý trong dự án từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế... Khi tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn có rất nhiều điều luật về luật bất động sản, luật nhà ở... bị vênh. Đây là rào cản với các doanh nghiệp địa ốc", bà Thanh nói.
Trước những yêu cầu mới thì khung pháp lý của Việt Nam chưa đủ. Bà cho rằng: "Trong giai đoạn này, thị trường nên chạy chậm lại một chút xíu và giành thời gian để tăng cường cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn, phát hành trái phiếu".