Theo đó, đường liên vùng 4 sẽ kết nối từ TP.HCM với Đồng Nai có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.600 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, đường liên vùng 4 sẽ kết nối từ đường Vành đai 3 (đoạn qua quận 9, TP.HCM) đến Quốc lộ 51 (huyện Long Thành), thông ra ngã tư Dầu Giây - Long Thành, quốc lộ 1 và đường liên tỉnh 769.
Dự kiến tuyến đường liên vùng 4 dài khoảng 45 km và có chiều rộng mặt đường là 40 m; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.600 tỷ đồng. Trên địa phận Đồng Nai, tuyến đường sẽ đi qua địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đường liên vùng 4 khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu giao thông từ Đồng Nai đi TP.HCM và phục vụ cho cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Trước tình hình trên Sở GTVT Đồng Nai sẽ sớm làm việc với các đơn vị liên quan để khảo sát, định vị cụ thể hướng tuyến.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết thêm do lượng phương tiện lưu thông tăng cao nên các tuyến kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai đang chịu áp lực giao thông lớn. Do đó, việc triển khai xây dựng nhanh đường liên vùng 4 sẽ giúp giảm tải áp lực này.
Ngoài ra, tạo thêm tuyến kết nối 3 tỉnh, thành Đông Nam bộ gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi lưu thông từ TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, người dân có thêm sự lựa chọn đi theo đường liên vùng 4, kết nối với quốc lộ 51 bên cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đặc biệt, trong tương lai, khi tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng và kết nối xong với đường liên vùng 4 thì sẽ tạo ra 2 "cửa" kết nối giao thông giữa 3 địa phương vùng Đông Nam bộ. Theo đó, ngoài lựa chọn lưu thông qua đường cao tốc TP.Hồ CCM - Long Thành - Dầu Giây, người dân còn có sự lựa chọn tuyến đường liên vùng 4 kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để di chuyển từ TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.
Được biết, đường liên vùng 4 đã có trong quy hoạch hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, quy hoạch này hiện chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, để có thể triển khai dự án, đường liên vùng 4 phải được cập nhật vào quy hoạch giao thông của 2 địa phương liên quan là TP.HCM và Đồng Nai, sau đó trình Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ.