Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt hơn 18,1 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, từ tháng 4/2023, kinh doanh bất động sản đánh mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, kể từ tháng 7 đến nay, ngành này đã giành lại ngôi vị á quân.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ (1,3%) và so với 7 tháng đầu năm (0,5 điểm %). Các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Tổng vốn đầu tư đăng ký tiếp tục duy trì mức tăng (tăng 8,2% so với cùng kỳ) và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm %).
Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai,…
Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 78,7% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 7 tháng.
Thời gian gần đây, hoạt động MA bất động sản của nhà đầu tư ngoại có xu hướng tăng nhiệt. Trong báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư ngoại đang duy trì sự quan tâm tới các dự án bất động sản trong nước. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng lên. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý là mục tiêu săn lùng của nhiều nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư ngoại đang thực hiện các thương vụ "thâu tóm" dự án bất động sản tại Việt Nam phần lớn đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan…Chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam, có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi với các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.
“Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail…là những tên tuổi ngoại đã và sẽ tìm kiếm cơ hội MA ở các phân khúc bất động sản thương mại, nhà ở và công nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp trong ngành, các nhà đầu tư từ các lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng danh mục đầu tư sang ngành bất động sản”, VARS cho biết.
Phương thức mua bán, chuyển nhượng chủ yếu vẫn là nhận chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp dự án. Một số thương vụ đã tách riêng doanh nghiệp dự án để đối tác ngoại mua đứt, đây cũng là lựa chọn được đối tác ngoại ưa thích.
Số lượng các chủ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư dự án rất lớn. Thay vì giữ vững “kỳ vọng được giá”, các chủ đầu tư dần thể hiện thiện chí thương lượng với mong muốn đàm phán sớm đạt được thành công.
Cũng theo VARS, tính đến hết quý II/2023, hầu hết các thương vụ MA mới đang chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu - giai đoạn tìm kiếm và khảo sát, chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch.
Các chuyên gia của VARS nhận định, thời gian tới, hoạt động MA sẽ tiếp tục sôi động. Các thương vụ hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý II sẽ tiếp tục chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý III và rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên trong quý IV/2023.
“Tuy nhiên số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện. Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023 thậm chí kéo dài sang quý II/2024. Khi MA đạt được thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung. Các dự án dang dở gặp được chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ nhanh chóng được tái khởi động. Các Chủ doanh nghiệp thu được tiền từ MA cũng có nguồn để quay lại thực hiện các dự án còn giữ lại”, các chuyên gia VARS nhận định.