Ngày 31-7 tại TP HCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) sửa đổi. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội và ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ trì hội nghị.
Điểm nóng "nhà ở hình thành trong tương lai"
Phát biểu góp ý, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho hay tại thành phố thời gian qua, các dự án nhà ở hình thành trong tương lai khi đưa vào kinh doanh phát sinh rất nhiều vấn đề, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận của người mua nhà. Đây là điểm nóng mà thành phố phải tập trung xử lý thời gian qua.
Theo ông Bùi Xuân Cường, nếu theo Luật Đất đai hiện hành, trường hợp chủ đầu tư được giao đất nhưng không thực hiện xong nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất thì không thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất, trong đó có quyền chuyển nhượng. Do đó, UBND TP HCM kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh nội dung về điều kiện đất đai đối với thủ tục chấp thuận nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là chủ đầu tư phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này nhằm hạn chế phát sinh vấn đề pháp lý ở bước sau, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận cho người dân. "Hiện nay, dù các bước đã xong nhưng chủ đầu tư gặp vướng, không thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thì dù chỉ đạo thế nào, Văn phòng đăng ký đất cũng không cấp giấy chứng nhận khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng" - ông Bùi Xuân Cường nói.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho rằng dự thảo Luật Kinh doanh BĐS quy định nguyên tắc chuyển nhượng dự án BĐS là việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS phải bảo đảm không thay đổi mục tiêu, quy hoạch của dự án là chưa phù hợp vì hiện nay có rất nhiều chủ đầu tư sau khi nhận dự án xong, cần có sự điều chỉnh về quy hoạch để dự án tốt hơn.
"Việc điều chỉnh nhằm tối ưu hóa dự án và mấu chốt cuối cùng là tăng thêm hệ số sử dụng đất, cũng như phù hợp quy định tại Luật Quy hoạch đô thị. Chủ đầu tư điều chỉnh theo quy định và phát sinh thêm nghĩa vụ tài chính. UBND TP HCM đề nghị điều chỉnh lại quy định này để không xung đột với quy định của Luật Quy hoạch đô thị trong quá trình thực hiện, nếu không sẽ ảnh hưởng quá trình triển khai sau khi nhận chuyển nhượng dự án" - ông Bùi Xuân Cường nói.
Về điều kiện khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án, UBND TP HCM ủng hộ phương án "không bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc một phần dự án chuyển nhượng". Điều này nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư chuyển nhượng dự án giải quyết khó khăn.
Đồng thời, UBND TP HCM đề nghị bổ sung quy định: "Đối với doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện hoàn tất các điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước trước khi nộp hồ sơ đề nghị chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS".
Một dự án bất động sản tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Bảo hộ quyền sở hữu, thời điểm xác lập quyền sở hữu
Cùng ngày, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc làm việc với Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình có nhà ở, tùy theo mức độ, thu nhập, khả năng chi trả khác nhau, trong đó cần làm rõ chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Ông đề nghị cơ quan soạn thảo phải rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục bất cập, hạn chế, chậm trễ so với thực tiễn quản lý lĩnh vực nhà ở; mức độ thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước về nhà ở (nhà ở xã hội, nhà công vụ, ký túc xá cho công nhân, sinh viên...).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tính toán kỹ đối với chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn; người thuộc diện tái định cư; lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên... và xây dựng có tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng.
Đối với việc huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Dự thảo luật cần đưa ra định hướng chính sách ưu đãi về đất, thuế, lãi suất vay, tỉ lệ khai thác đất thương mại, dịch vụ, trách nhiệm của nhà đầu tư trong quản lý các khu nhà ở xã hội... Ngoài việc phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, cần tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam, doanh nghiệp... tham gia phát triển nhà ở xã hội".
Về một số vướng mắc trong quy định cải tạo, xây mới chung cư cũ, Phó Thủ tướng cho rằng Nhà nước thực hiện quyền cưỡng chế người dân di dời khỏi các chung cư cũ để bảo đảm an toàn tính mạng. Hoạt động cải tạo, xây mới, thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và các hộ dân. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, công khai tiêu chí những chung cư cũ buộc phải di dời, thực hiện cải tạo, xây mới.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cơ quan soạn thảo khi xây dựng dự thảo luật cần bảo đảm sự đồng bộ các dự án nhà ở với cơ sở hạ tầng xã hội, giao thông, văn hóa, thông tin... Luật hóa việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo; quy định rõ ràng thiết chế quản lý các khu chung cư, khu phức hợp trên cơ sở phân định rõ phần thuộc sở hữu chung, phần thuộc sở hữu của người dân…
Còn nhiều ý kiến khác nhau
Ngoài dự thảo Luật Kinh doanh BĐS, lãnh đạo Quốc hội còn chủ trì hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, đặc biệt là giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra thì đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu phương án của Chính phủ.
Đối với ý kiến của đại biểu về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Thanh cho rằng sẽ cố gắng làm rõ hơn về chính sách này vì thời gian qua khiếu kiện về vấn đề này rất nhiều, lên tới 60%-70%. "Nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì tình trạng khiếu kiện sẽ còn diễn ra phức tạp trong thời gian tới" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.