Ban quản lý tự ý pha thuốc diệt khuẩn, cư dân chung cư bị dị ứng?

Ban quản lý chung cư Sunrise City Central tự ý mua rồi pha thuốc để tiến hành xịt khử khuẩn mà không nhờ y tế dự phòng khiến cư dân phản ứng.

Hàng trăm cư dân sinh sống tại dự án chung cư SCC (Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) đang rất bức xúc khi Ban quản lý tự mua, pha hóa chất và tiến hành xịt khử khuẩn không đúng chức năng làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân.

Ban quản lý tự ý pha thuốc diệt khuẩn, cư dân chung cư bị dị ứng? - Ảnh 1.
Trẻ em ở chung cư SCC bị dị ứng sau khi ban quản lý tự ý mua rồi pha thuốc khử khuẩn và đi xịt.

Chị Thuỷ, cư dân tại W3.2304 bức xúc cho biết, vấn đề xịt khử khuẩn trong giai đoạn này là tốt nhưng phải được chuyên nghiệp hóa và do cơ quan có chức năng thực hiện. Trong ngày 1/4, sau khi ban quản lý tòa nhà tiến hành xịt khuẩn, chị thấy mùi hôi nồng nặc, khi bước ra ngoài nhiều lần đều thấy cay mắt và chóng mặt.

“Tôi phải giữ con ở trong phòng ngủ cách hai lớp cửa. Khi hỏi thì mới biết là ban quản lý tự tiến hành xịt khử khuẩn. Việc ban quản lý tự ý mua rồi pha chế là không thể chấp nhận và gây nguy hiểm cho sức khỏe của cư dân”, chị Thủy nói.

Nhiều cư dân khác cũng rất sốc khi biết ban quản lý tiến hành xịt diệt khuẩn không theo chuyên môn và hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng dịch COVID-19. Nhiều trẻ em ở chung cư bị dị ứng, nổi mụn nhọt…

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, trưởng ban quản trị khu chung cư cho biết, do mới đây chung cư có trường hợp F1 và bị đưa đi cách ly nên ban quản lý thuê một công ty về xịt thuốc khử trùng. Tuy nhiên, những ngày sau đó, việc xịt khuẩn có nhiều vấn đề như gây mùi thuốc rất nồng nặc, ngoài ra còn gây một số triệu chứng về sức khỏe cho cư dân như người già, phụ nữ, trẻ em bị khó thở nổi mề đay…

“Chúng tôi đã xuống làm việc với ban quản lý thì mới phát hiện ra việc ban quản lý tự ý mua rồi pha thuốc để tiến hành xịt khử khuẩn”, ông Hiệp khẳng định.

Ban quản lý tự ý pha thuốc diệt khuẩn, cư dân chung cư bị dị ứng? - Ảnh 2.

Nhà của cư dân bị thuốc khử khuẩn bám đầy lên cửa.

Cụ thể, theo nội dung biên bản làm việc giữa ông Huỳnh Quang Đông đại diện ban quản lý của tòa nhà (Công ty Savills là đơn vị quản lý dự án) cùng đại diện ban quản trị và một số cư dân vào ngày 3/4 vừa qua có nội dung ghi rõ: “Về việc xử lý phòng chống dịch COVID-19 tại 4 tòa tháp của tòa nhà, ông Huỳnh Quang Đông, Trưởng ban quản lý xác nhận, tự mua dung dịch khử khuẩn Cloramin B từ nhà cung cấp là công ty TBS và pha theo hướng dẫn trên sản phẩm theo định lượng 20 gram/1 lít nước. Bộ phận nhân viên hồ bơi đảm nhiệm việc pha và xịt khi chưa có sự hướng dẫn từ các ban ngành chuyên môn. Mỗi tháp xịt hết 10 lít dung dịch tự pha”.

Trao đổi với Tiền Phong, Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết, thành phần chính của thuốc khử khuẩn là Clo. Do đó, hóa chất diệt khuẩn rất độc hại cho sức khỏe, không được phun tràn lan. Có nhiều người, đặc biệt là trẻ em, người già, người bị dị ứng có thể bị tổn thương.

“Cách tốt nhất để khử khuẩn là nhờ y tế dự phòng của địa phương thực hiện. Bởi hóa hóa chất khử khuẩn làm ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí và nó tồn tại lâu dài trong môi trường. Một số hóa chất chứa clo có thể tương tác với các chất hữu cơ trong đất, nước tạo thành chất gây ung thư. Do đó, số tiền dành cho việc phun hóa chất này nên để mua khẩu trang, xà phòng phát cho cư dân thì việc chống dịch COVID-19 sẽ hiệu quả hơn nhiều”, ông Phương nói.