Rao bán khách sạn mùa dịch
Theo các chuyên gia, dù cố cắt giảm giá, cắt giảm nhân lực để duy trì hoạt động. Thế nhưng đến thời điểm này, không chỉ các khách sạn nhỏ lẻ, nhiều khách sạn lớn cũng công bố thua lỗ. Một số nhà đầu tư đã rao bán khách sạn để thu hồi vốn khi khó lòng trụ nổi trên thị trường.
Theo Sở Du lịch Tp.HCM, tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống và các cơ sở mua sắm trên địa bàn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; kinh doanh nhà hàng, tiệc... giảm 60%.
Các khách sạn nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
Trên một số trang tin rao bán đã xuất hiện các tin bán khách sạn ở trung tâm TP. Mới đây, một đơn vị môi giới rao tin: “Chính chủ bán khách sạn Hạ Vi 16-18 đường Đỗ Quang Đẩu, Q.1 bên cạnh phố đi bộ Bùi Viện với giá chỉ 643 triệu đồng/m2. Khách sạn có quy mô 1 trệt, 3 lầu, sân thượng, hiện có 27 phòng, cho thuê 8000usd/ tháng, tháng 6/2020 có hợp đồng thuê 9000USD/tháng ( đã nhận cọc). Giá bán mùa Covid là 90 tỷ có thương lượng.
Trước đó, trên báo chí đã xuất hiện thông tin ca sỹ Ngọc Khuê đã bất ngờ rao bán khách sạn Delta Sa Pa Hotel có diện tích đất 350m2 với 58 phòng kinh doanh và 5 phòng phụ trợ với giá 110 tỷ đồng.
Thời gian qua tại các tỉnh thành trên cả nước đã xuất hiện các thông tin rao bán khách sạn với mức giá dao động từ vài tỷ cho tới cả trăm tỷ đồng, trong đó có nhiều khách sạn mới xây dựng xong hoặc đi vào hoạt động trong khoảng thời gian ngắn.
Theo những người trong cuộc đánh giá, các trường hợp cá nhân bán khách sạn như ca sĩ Ngọc Khuê giữa lúc dịch bệnh cho thấy các chủ đầu tư đã bắt đầu “ngấm đòn” và sẽ buộc phải tính toán lại chiến lược đầu tư.
Tuy vậy, ở thời điểm này việc rao bán khách sạn cũng chỉ là một số trường hợp, chưa thể hiện rõ nét, bởi nhiều NĐT vẫn đang cố gắng cầm cự, và hi vọng dịch bệnh đi qua. Trong số đó, dù gồng gánh nhiều khó khăn nhưng NĐT không chấp nhận bán rẻ khách sạn - vốn là tài sản mà rất khó để có được tại thị trường Việt Nam.
Không thể phủ nhận, nhiều chủ khách sạn ở Tp.HCM, Hà Nội và các thị trường ven biển miền Trung đang phải gồng mình để gánh các chi phí từ tài sản mặc dù không có thu nhập từ tài sản đó. Một chủ một khách sạn 3 sao với gần 70 phòng ở Đà Nẵng cho biết đã quyết định đóng cửa khách sạn từ 15/3 nhưng tính ra mỗi tháng vẫn phải chi hơn 100 triệu đồng cho chi phí an ninh, trực ban, bảo hiểm xã hội, các dịch vụ đặt trước. Do đó, nếu không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để "cầm cự" qua giai đoạn khó khăn, chủ khách sạn sẽ buộc phải bán đi tài sản đó nếu không muốn số tiền thâm hụt lớn dần theo từng ngày.
Cơ hội cho NĐT nhanh tay mua được tài sản giá tốt
Theo ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, trong thời điểm này, ở thị trường Việt Nam có những NĐT giữ tài sản khách sạn trong thời gian dài tức là họ đang có được dòng tiền hoạt động về khách sạn khá tốt. “Trong bối cảnh biến động, CĐT/NĐT có tài sản hoạt động tốt vẫn giữ nguyên, còn CĐT/NĐT yếu về tài chính có thể họ sẽ cân nhắc việc bán tài sản. Khi có biến động, thị trường sẽ thấy được ai tồn tại, ai sẽ phải chào bán tài sản đó”, ông Clement cho hay.
Khi được hỏi, trước tình hình dịch bệnh, động thái của các CĐT/NĐT có tài sản là khách sạn liệu có bán tháo, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho rằng, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam suốt thời gian qua gây được sự chú ý cho cả NĐT trong và ngoài nước. Để có được một khách sạn hoạt động ở Việt Nam CĐT/NĐT mất rất nhiều công sức để có được. Vì thế họ không dễ dàng bán tháo tài sản của mình vì dịch bệnh, thiên tai - những yếu tố diễn ra trong ngắn hạn.
“Tuy nhiên, đối với những NĐT quyết định bán thì chắc chắn họ sẽ bán giá tốt. Nếu trước đây CĐT/NĐT nắm tài sản với phong độ tốt thì họ sẽ chào mức giá mong đợi tốt hơn. Còn lúc thị trường khó khăn thì họ sẽ cân nhắc mức giá phù hợp để chốt giao dịch. Đây cũng là sự biến chuyển ở phân khúc khách sạn trong năm 2020”, đại diện Savills Việt Nam nhấn mạnh.
Theo đơn vị này, chính trong khó khăn thì lại là cơ hội cho các NĐT có tầm nhìn dài hạn khi ngay ở thời điểm này có thể mua được giá hợp lý hơn so với giai đoạn trước. Một bộ phận nhà đầu tư đã nhanh tay mua lại để chờ kinh doanh sau mùa dịch.
Nhiều NĐT đang tranh thủ lúc dịch bệnh mua lại tài sản khách sạn với giá mềm hơn mà theo cách họ nói nếu không có dịch thì giá bán có thể gấp nửa số tiền mua ở thời điểm này. Những NĐT này đa số có vốn dày nên chấp nhận bù 1 số chi phí trong mùa dịch như thuê 1 người trong coi, ít tiền điện nước, có thể chờ dịch qua đi để vận hành lại. Bởi theo họ, sau dịch sẽ có lượng khách du lịch bị cuồng chân muốn đi du lịch ngay khi cuộc sống trở lại bình thường.
Cũng theo đại diện Savills Việt Nam, trong thời gian tới có thể thị trường sẽ chứng kiến các thương vụ mua bán và chuyển nhượng dự án, tài sản ở quy mô lớn. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua được những tài sản tốt với giá rẻ hơn so với giai đoạn trước. Hiện tại một số nhà đầu tư tại các thị trường địa phương lại tìm được “lối thoát” bằng việc mua lại quyền vận hành khách sạn, nội thất với giá cực rẻ để “chờ thời” hết dịch".
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, vì khách sạn là tài sản lớn, số tiền bỏ ra mua không phải nhỏ, trong khi dịch bệnh chưa rõ khi nào kết thúc. Vì thế, với những NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc vốn ít để mua sản phẩm khách sạn mùa dịch cũng cần cân nhắc thật kỹ càng.