Anh S là chủ đồi chè 13ha cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 12km, mặc dù những khu chè, cà phê xung quanh đã được người dân phân lô bán nền rầm rộ để thu lợi nhưng anh S vẫn giữ vững quan điểm đất chỉ có mua thêm, tuyệt đối không phân lô bán nền.
Anh S kể lại năm 1994 anh từ Bắc Giang vào Lâm Đồng lập nghiệp, khi đó anh chỉ là công nhân trồng chè cho lâm trường. Năm 2014, nhà nước có chính sách giao lại đất lâm trường cho người dân canh tác, có trong tay chỉ 1,5 tỷ đồng, anh S cùng một số anh em thân thiết vay mượn thêm nhận lại đồi chè 13ha với giá 25 tỷ để làm nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất chè.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc giá đất chè, cà phê lại có thể tăng chóng mặt như hiện nay. Từ 2-3 năm nay, xung quanh đồi chè của tôi các hộ dân khác đã giăng dây bán nền gần hết. Tiếc cây chè, hễ có lô nào cạnh đồi chè tôi lại gom mua thêm để mở rộng đất, quyết không bán ra", anh S tâm sự.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường trải đá dăm vừa được làm giữa ngổn ngang những thân cây chè khô khốc bị đào gốc, anh S cho biết mới năm ngoái đất ở đây được người dân phân lô bán giá 2-3 triệu đồng/m2 thì nay sau khi có con đường và quy hoạch đất ở thì đã tăng gấp 3 lần lên 8-9 triệu đồng/m2.
Một vườn chè của người dân tại Bảo Lộc đã được căng dây, cắm mốc giới phân lô.
Giữa bốn bề đã được phân lô bán nền, hễ ra lô nào là hết lô đấy, đồi chè của anh S vẫn nguyên vẹn, thậm chí liên tục được nới rộng thêm: "Cây chè gắn với tôi gần 30 năm nay, nhìn thấy đồi chè tôi tiếc lắm. Doanh thu sản xuất cả đồi chè hàng năm không là gì so với việc cắt vài lô đất rồi bán nhưng mang lại công ăn việc làm, người thu nhập cho hàng trăm hộ nông dân".
"Đồi chè 13ha của tôi nằm ngay gần cao tốc Bảo Lộc. Tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể giữ lại đồi chè, tăng giá trị cho khu đất, để phát triển bền vững nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế. Tôi đang có định hướng phát triển khu chè thành khu bảo tồn văn hóa chè kết hợp tổ chức lễ hội, phát triển du lịch gắn với cây chè. Có như vậy mới có thể vừa giữ gìn vừa gia tăng giá trị bền vững cho đồi chè ", anh S tâm sự.
Được biết, ngoài đồi chè anh S còn có thêm nhiều khu đất đang trồng chè ở Bảo Lộc, thậm chí giữa thành phố Bảo Lộc anh còn có một khu đất hai mặt tiền rất rộng làm nơi thưởng chè, giới thiệu sản phẩm chè với khách du lịch. Anh S cho biết, khu đất vài nghìn m2 này được anh mua hàng chục năm về trước, khi đó đất rẻ lắm. Đến khi Bảo Lộc lên thành phố, phát triển mạnh thì lô đất góc 2 mặt tiền của anh cũng tăng giá cả vài chục lần.
Anh S kể suốt 30 năm trồng, sản xuất và kinh doanh chè được bao nhiêu tiền anh dồn tiền mua đất. Cứ thế, đến nay giá trị đất anh S sở hữu có thể lên tới nghìn tỷ nếu tính theo giá thị trường. Nhưng anh S chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xẻ đất ra để bán lấy tiền, bởi tiền nhiều quá tiêu cũng không hết, cũng không biết làm gì, đất một khi đã bán là mất. Chính vì vậy, anh giữ lại đất để sau này có thể làm được điều gì có ích cho vùng đất Tây Nguyên đã nuôi dưỡng anh, phát triển, tăng giá trị cho đất là câu hỏi anh luôn đau đáu hướng đến.
Qua đồi chè của anh S, dọc theo những con đường mới giữa những đồi cà phê nhiều lô đất đã được đóng cọc trắng để xác định mốc giới, nhiều đồi chè được chăng dây xung quanh chia lô. Chủ lô đất chủ yếu là các nhà đầu tư từ Sài Gòn. Họ mua đất chỉ cốt để chờ tăng giá rồi qua tay lấy lãi. Cứ thế, nhà đầu tư về càng nhiều, những đồi chè, cà phê đang dần bị xẻ thịt, cả một vùng đất là thủ phủ cà phê bỗng nháo nhác trong cơn sốt đất phân lô bán nền.
Xa hơn nữa, những lô đất to hơn được nhà đầu tư Hà Nội gom lại tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để tiếp tục làm thành từng khu phân lô hay kinh doanh Homestay, thậm chí thành những khu làng nhỏ phong cách Âu được bán theo mô hình đất kèm nhà.
Cùng với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư cá mập đang bước chân vào vùng đất Tây Nguyên này có thể kể đến như Him Lam, Đèo Cả, Hưng Thịnh, Novaland, Ecopark, Văn Phú Invest, T