Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, GS Nguyễn Minh Hoà, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Tp.HCM chỉ ra 3 đặc điểm dễ nhận thấy, có thể trở thành xu hướng đầu tư, phát triển thị trường BĐS hậu Covid-19. Vị GS này cho biết, dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt ở các thành phố lớn, đông dân. Sau dịch, trong phát triển đô thị hay thị trường BĐS có thể sẽ định hình hình lại xu hướng phát triển của mình để phù hợp với thực tiễn.
Thứ nhất, trong dịch Covid-19 nhận thấy, các thành phố lớn đông dân có mật độ dân cư cao chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch. Hầu hết các TP có trên 10 triệu dân đều thiệt hại do dịch. Điều này đặt ra cho các nhà quy hoạch là nên phát triển thành phố lớn hay các thành phố quy mô vừa và nhỏ; vấn đề giãn dân ra các khu vực lân cận TP lớn cũng là điều cần được nghĩ đến sau khi dịch được đẩy lùi. Còn nếu phát triển đại đô thị thì phải là tổ hợp nhiều đô thị nhỏ chứ không phải là một TP quá lớn như bây giờ.
Thứ hai, thực tế đợt giãn cách xã hội cho thấy, cách ly thành công chủ yếu ở khu chung cư, cao tầng hơn là các khu phố. Những dãy phố, hẻm quá nhỏ không cách não giãn cách được, không cách nào cách ly thành công số lượng dân cư quá đông. Chung cư thì khác, có thể cách ly từng tầng, từng căn hộ, thời gian cách ly không quá lâu. Do đó, ở góc nhìn phát triển đô thị thì trong tương lai nén đô thị lại hơn là phát triển dân cư trải đều như hiện nay.
Thứ ba, dịch hành hoành ở các thành phố lớn, xu hướng bỏ phố về quê càng rõ nét. Con người có xu hướng tìm đến các vùng đất mới, rộng lớn hơn, cách xa TP ồn ào, để tìm đến cuộc sống bình yên, gắn liền với thiên nhiên với lối sống sinh thái. Do đó, BĐS tỉnh sẽ có cơ hội phát triển hậu Covid-19.
Chia sẻ về việc, xu hướng mở rộng khu dân cư ra bên ngoài các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, đây chắc chắn là xu hướng tất yếu của thị trường BĐS. Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà đang diễn ra trên thế giới.
Theo vị GS này, trong phát triển đô thị có khái niệm "ngưỡng đô thị", nghĩa là đến đó là không phát triển thêm được nữa. Đô thị thì có tài nguyên nước, đất… con người thì có thể sinh ra nhưng đất đai không sinh sôi nảy nở. Đến một ngưỡng nào đó, quỹ đất ở trung tâm sẽ dần cạn, buộc con người phải giãn dân ra các khu vực bên ngoài.
Chưa kể, hiện nay ở các TP lớn có quá nhiều lực đẩy để đẩy nhu cầu của con người ra bên ngoài. Chẳng hạn như, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, khói bụi, kẹt xa, quá tải cơ sở hạ tầng, giá cả đắt đỏ…Các yếu tố này đang dần đẩy con người đi xa hơn, BĐS lân cận hay tỉnh là lựa chọn trong bối cảnh như thế.