Thị trường BĐS đối mặt nhiều thách thức
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Covid-19 đã khiến nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của dịch bệnh. Thực trạng này được phản ánh qua sự sụt giảm mạnh của vốn đầu tư FDI vào bất động sản, tồn kho bất động sản tăng. Ngoài ra, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% so với cùng kì, có tới 94% doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh trong quý 1/2020.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Ông Lộc nhấn mạnh những biến chuyển của thị trường bất động sản không chỉ phản ánh sức khỏe nội tại của lĩnh vực này mà còn là chỉ báo quan trọng của nền kinh tế. Bởi đây là lĩnh vực có sự liên đới đến nhiều ngành nghề quan trọng, tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế. Do đó, bất động sản sẽ gây bất ổn nền kinh tế nếu không được kiểm soát. Cùng với cú bồi Covid-19 thì chính sách, thủ tục hành chính tiếp tục góp phần khiến rất nhiều dự án dừng hoãn.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh cần thảo luận về các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản. Sự hồi phục của thị trường này góp phần kích hoạt quá trình phục hồi nền kinh tế. Một số giải pháp được người đứng đầu VCCI đưa ra là thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời, mở các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là các gói tín dụng trung và dài hạn cho các dự án quan trọng, cốt lõi. Bên cạnh đó, các chính sách tiền tệ cần linh hoạt, nới mở hơn nữa để giải quyết vấn đề thanh khoản, đầu tư của doanh nghiệp.
Chính sách vẫn là nút thắt lớn của thị trường
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thị trường bất động sản đặc biệt nhạy cảm với chính sách. Đây là lĩnh vực chịu sự chi phối của hơn 10 luật khác nhau từ Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật đầu tư, Luật nhà ở... Trong nhiều năm qua, chính sách vẫn là rào cản lớn của thị trường bất động sản. Bằng chứng là có những dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc về chính sách.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam |
Một bất cập điển hình được ông Hà đề cập là có những văn bản chuẩn bị có hiệu lực thì doanh nghiệp phải chạy trước để qua trước thời gian văn bản có hiệu lực. Nguyên nhân là bởi nếu doanh nghiệp không lo thủ tục trước thì thời gian hoàn thiện được thủ tục mất rất nhiều thời gian, tất yếu làm chi phí cũng tăng thêm khi thực hiện các văn bản mới. Nhiều chủ đầu tư vỡ trận, đổ bể dự án khi các văn bản mới có hiệu lực dù trước đó họ đã tính toán chi phí.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cũng khẳng định chính sách là nguyên nhân khiến các dự án bất động sản bị ách tắc. Và điều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ nhất chính là gỡ rối về cơ chế chính sách.
Ông Hiệp nêu một loạt những bất cập, chồng chéo giữa các luật. Ví dụ Luật Quy hoạch mới được sửa đang gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Cụ thể, muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Như vậy, nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược, doanh nghiệp bất lực trước quy định này.
Ông Hiệp kiến nghị nên có Ban tư vấn về đất đai, trong đó có tiểu ban doanh nghiệp để đóng góp, kiến nghị chính sách từ kinh nghiệm thực tiễn. Ông cũng mong tiếng nói của doanh nghiệp về xây dựng các luật đến được với người có thể quyết định, đến với cơ quan làm luật để có những thay đổi sát sườn thực tế.
An An