“Sốt đất” năm 2022 có diễn ra?

Đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM) là một trong những nguyên nhân gây sốt đất, thị trường bất động sản còn chịu nhiều yếu tố tác động như phát triển hạ tầng, địa giới hành chính và nguồn cung hạn hẹp.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian vừa qua, sau khi có đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì Thủ tướng đã có văn bản giao cho các Bộ ngành liên quan trong đó có Bộ Xây dựng có những đánh giá.

Ở góc độ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, ông Khởi cho rằng, giá đất ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như nguồn cung, giao dịch, phát triển hạ tầng và trong đó có đấu giá đất...

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá giao dịch trên thị trường tăng một số trường hợp như: căn hộ cao cấp tăng 0/5%, giá trung cấp tăng 3%, đất nền tăng 3-5% và một số nơi tăng trên 10% trong đó có TP.HCM.

“So với hai năm trước giá đất tăng nhưng đây là tăng do xu hướng chung. Do nhiều yếu tố không chỉ có tác động của đấu giá đất tại Thủ Thiêm. Từ năm 2020 nguồn thì trường bất động sản hạn chế do Covid-19, nguồn cung chưa đáp ứng nguồn cầu tăng nên tăng giá, trong đó nhu cầu ở thực và đầu tư vẫn có và đây cũng là một nguyên nhân” - ông Khởi nói.

Việc giá đất tăng ảnh hưởng đến phát triển giá nhà thấp, nhà ở xã hội. Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu và tìm ra các giải pháp để phát triển thị trường nhà ở xã hội. 2 gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023 được đề xuất 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ phần nào giải quyết vấn đề này.

Đề ngăn chặn "sốt đất" trong năm 2022, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, công khai các dự án bất động sản. Ngoài ra, cũng phải quản lý môi giới để kiểm soát giá bất động sản, không để đẩy giá cao, giải pháp ngăn chặn sốt đất phải là các biện pháp đồng bộ, ông Khởi cho biết thêm./.