Nhìn lại những năm qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động nhưng đa phần theo chiều hướng tăng trưởng với mức giá tăng mạnh. Sự sôi động của thị trường đã kéo theo lượng lớn môi giới, nhà đầu tư mới đến. Trong cơn xoay vòng của bất động sản, đã không ít môi giới, nhà đầu tư giàu lên thực sự. Có người mới vào nghề 3 năm, chưa đầy 30 tuổi đã sở hữu khối tài sản tiền trăm triệu. Hay có những bạn trẻ, chưa ra trường đã kiếm tiền tỷ nhờ đầu tư bất động sản.
Nhưng, điều kỳ lạ, những người kiếm được nhiều tiền từ bất động sản lại bị "định kiến" khi "mang tiếng" là những nhà đầu cơ bất động sản. Theo lý giải của những người gọi nhóm "đầu cơ bất động sản" là tội đồ là vì, họ chỉ biết dùng tiền, nếu không có tiền thì tranh thủ dùng đòn bẩy tài chính để mua đất. Họ mua đất rồi để đấy, canh chừng, đợi giá lên rồi bán. Họ khiến cho mặt bằng giá bất động sản thiết lập một ngưỡng mới. Họ khiến cho giá bất động sản tăng quá mạnh, vượt qua ngưỡng giá trị thực sự. Họ cũng khiến cho những người có điều kiện kinh tế thấp hơn phải xa rời giấc mơ mua nhà. Loạt lý do đó mà "đầu cơ bất động sản" bị coi là tội đồ lớn.
Mua mảnh đất đợi tăng giá bị gọi là đầu cơ bất động sản.
Nhưng tại sao "đầu tư bất động sản" bỗng nhiên lại bị gọi là "đầu cơ bất động sản"? Trong đầu tư có nhiều hình thức như người chọn sản xuất kinh doanh như thuê mặt bằng, mua nguyên vật liệu, chế biến thành thành phẩm rồi bán; và một hình thức khác là mua sản phẩm/tài sản, bán lại, kiếm tiền chênh. Trong đó, đầu tư vàng, cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản được coi là hình thức mua tài sản, đợi tài sản tăng giá.
Kỳ lạ, cùng là hình thức mua "sản phẩm", đợi giá tốt rồi bán nhưng chỉ có bất động sản lại được coi là "đầu cơ", là "tội đồ" trong khi đầu tư vàng hay cổ phiếu lại không bị mang danh xưng như vậy.
Mặt khác, hãy nhìn lại thị trường bất động sản những năm qua, không thể phủ nhận được có rất nhiều người giàu lên nhờ buôn bán đất. Nhưng thực tế, cũng không ít người thua lỗ vì buôn đất. Chỉ bởi, những người buôn lỗ ít xuất hiện chia sẻ còn người có lời lại dễ dàng tiết lộ hơn.
Mua và đợi giá tăng lên tưởng là hình thức đầu tư dễ dàng, "ngon ăn" nhưng thực tế, để có khoản tiền lời tốt, nhà đầu tư phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc, thời gian. Họ cũng phải "bầm dập" với thị trường nhiều lần thì mới đạt được thành quả. Đầu tiên, muốn mua được mảnh đất tốt, trước hết, họ phải có vốn. Vốn có thể đến từ tích cóp dần, từ vay người thân hoặc vay ngân hàng. Bằng cách nào đó thì rõ ràng, nhà đầu tư đã phải có kinh nghiệm, kỹ năng huy động vốn, sử dụng vốn.
Tiếp đến, để có mảnh đất đẹp, họ phải đọc nhiều, tìm hiểu, khai thác thông tin kỹ lưỡng từ bạn bè, trên báo,… Họ phải đi thị trường rất nhiều lần, tốn chi phí đi lại, ăn uống, thời gian, công sức. Khi tìm được mảnh đất đẹp, họ cần kỹ năng đàm phán về giá, hiểu được thủ tục hợp đồng mua bán.
Và đến khâu bán, họ cũng rất vất vả. Muốn bán được thì phải giới thiệu, tư vấn cho khách hàng. Đâu phải chỉ mất một tuần chăm sóc cho một khách hàng là đã có thể bán được mà họ sẽ phải chi ra công sức, tiền bạc, thời gian tiếp đón cho hàng chục khách hàng.
Vậy khoản tiền lời mà họ thu được có xứng đáng không khi đó là trí tuệ, công sức, thời gian, mối quan hệ, kỹ năng mà nhà đầu tư bỏ ra? Họ đâu phải bước ra đường, mua liều một mảnh đất, về nhà ngủ rồi bỗng một ngày mở mắt ra có vài tỷ. Tất cả đều phải trải qua bài học thất bại, thành công rồi mới có kết quả. Thậm chí, nhà đầu tư còn phải đau đầu suy tính, làm việc cật lực hơn rất nhiều mới có được kết quả.
Chúng ta nhìn những người trẻ kiếm tiền tỷ từ bất động sản thì mới xem phần ngọn mà không hiểu họ đã phải vất vả như thế nào? Có thể họ đã từng bị mất tiền vì bài học sai lầm trong đầu tư. Bởi chẳng có bài học nào là không phải trả giá bằng tiền hay sự cay đắng?
Bên cạnh đó, cần rõ ràng nhìn nhận lại, những người mua đi bán lại bất động sản ví như bộ phận lưu thông hàng hoá. Phải có họ thì thị trường mới sôi động, phát triển. Việc mua để ở, cho thuê hay bán là chuyện hoàn toàn hợp pháp và cơ chế vận hành của thị trường. Ví dụ như, nếu bạn mua chục quả dừa giá 100.000 đồng rồi về bán lại 150.000 đồng thì vẫn được gọi là đầu tư. Nhưng nếu bạn mua mảnh đất 1 tỷ, đợi bán lại 1,5 tỷ thì lại bị gọi là đầu cơ. Cùng bản chất, nhưng khái niệm đầu cơ chỉ dành cho bất động sản. Như vậy là khập khiễng. Ngay cả hàng hóa khi mua đi bán lại, giá trị cũng tăng lên. Quy luật của nền kinh tế là vậy, giá trị vật chất của xã hội ngày càng được tạo ra nhiều hơn chính là giá trị thặng dư do con người tạo ra nó và giá cả của tất cả bất động sản cũng sẽ tăng theo thời gian.
Vậy điều gì khiến cho nhiều người "định kiến", đầu cơ bất động sản là xấu? Hay phải chăng vì họ thấy người khác giàu lên nhanh chóng, dễ dàng nên họ ghen tị? Nếu ghen tị sao họ không mạnh dạn chớp thời cơ đầu tư bất động sản?
*Chia sẻ từ nhà đầu tư bất động sản 12 năm kinh nghiệm
#/vi-dau-co-bat-dong-san-la-toi-do-phai-chang-la-long-do-ky-khi-thay-nguoi-khac-giau-20220121085612967.chn