Cơn sốt nhà đất tại các khu vực vùng ven trung tâm Tp.HCM cách đây chừng 2 năm đã đẩy giá đất nền ở khu vực này tăng phi mã trong suốt giai đoạn 3 năm qua. Theo ghi nhận của một số công ty nghiên cứu thị trường, mức tăng giá trung bình nhà đất ven trung tâm Tp.HCM như ở Quận 2, Quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè, Củ Chi,…mỗi năm chừng 15-20%, thậm chí theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam nhiều khu vực "nóng" ở Quận 2 và Quận 9 giá nhà đất còn tăng gấp 2 đến 3 lần chỉ trong khoảng 3 năm vừa qua, và lập đỉnh vào khoảng cuối năm 2019.
Khi đó, ở những khu vực như Long Trường, Long Phước (Q.9), một nền đất có diện tích chừng 50m2 được hét giá dao động từ khoảng 2,1 - 2,3 tỉ đồng/mảnh, so với hồi đầu năm tăng chừng hơn 300 triệu đồng; Tại Bình Chánh, những lô đất nền có diện tích nhỏ luôn là hàng hot được giới đầu tư săn đón, giá chào bán khoảng 1.7-1.9 tỉ đồng/nền/diện tích 50m2, giá này cũng tăng khoảng 200 triệu đồng.
Một số khu vực quận, huyện ven trung tâm Tp.HCM khác như Quận 12, Củ Chi giá đất nền cũng lập đỉnh vào hồi cuối năm 2019 đạt ngưỡng dao động 30 – 60 triệu đồng/m2, trong khi vài năm trước đó giá đất khu vực này chỉ vào khoảng 7-15 triệu/m2; Khu vực Tân Thới Hiệp đất mặt đường lớn còn có giá tăng lên tới 137 triệu đồng/m2, đất trong hẻm cũng xấp xỉ 50 triệu đồng/m2; Đất mặt đường Nguyễn Văn Quá quận 12 hiện rơi vào khoảng 25 – 38 triệu đồng/m2, đường Hà Huy Giáp khoảng 17 – 37 triệu đồng/m2. Đường Tô Ký khoảng 30 – 35 triệu đồng/m2. Tại phường Hiệp Thành quận 12 giá dao động từ 18 – 50 triệu đồng/m2. Phường An Phú Đông dao động từ 17– 60 triệu đồng/m2…
Nhà đầu tư đổ xô đi mua đất nền thời sốt đất
Đầu năm 2020, đất nền vùng ven trung tâm Tp.HCM bắt đầu có xu hướng chững lại sau khi lập đỉnh. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thị trường gần như đóng băng, khi đó giá đất chưa giảm sâu, nhà đầu tư vẫn còn tâm lý nghe ngóng tình hình dịch bệnh.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, những tháng đầu năm 2020 nhu cầu mua bất động sản có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Ở phân khúc chung cư, mức độ quan tâm giảm 4,6%, riêng nhà phố giảm đến 35% so đầu năm 2019, đặc biệt phân khúc đất nền có mức độ quan tâm giảm gần 50%. Cũng theo đơn vị này thì do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khách hàng tìm đến các sàn giao dịch tại Quận 12, Quận 9, Quận Thủ Đức…giảm rõ rệt vào khoảng 70% so với cùng kỳ của năm 2019.
Ở các khu vực vệ tinh Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An thì nhu cầu tìm mua nhà đất của những tháng đầu năm 2020 cũng giảm đáng kể từ 1,5 đến 4 lần so với năm 2019.
Có thể thấy, thị trường đất nền vùng ven Tp.HCM giảm nhiệt rõ rệt trong năm 2020 so với năm 2019. Báo cáo nghiên cứu thị trường của một số đơn vị nghiên cứu thị trường mới đây cho thấy mức giá nhà đất cũng bắt đầu giảm khoảng 5% đến 15% tùy từng khu vực do "ngấm đòn" Covid-19, tuy nhiên, mức độ hấp thụ giao dịch cũng không được cải thiện.
Xu hướng giảm giá này tiếp tục diễn ra trong tháng 8 vừa qua khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tâm lý e ngại của nhà đầu tư vẫn bao trùm thị trường.
Nghiên cứu mới nhất của Công ty DKRA Việt Nam, cho thấy ở phân khúc đất nền, thị trường TP HCM có 3 tháng liên tiếp không ghi nhận dự án mở bán mới, nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó. Đại diện DKRA cho biết thị trường thứ cấp vẫn duy trì mức thanh khoản tương đối thấp. Giá bán một số khu vực có dấu hiệu giảm so với tháng trước do nhiều nhà đầu tư bị áp lực về dòng tiền trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.
Ở các thị trường giáp ranh TP HCM, DKRA ghi nhận 18 dự án đất nền mở bán, cung cấp ra thị trường gần 3.000 căn, tăng 91% tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 32%. Tuy nhiên, sức cầu chung toàn thị trường ở mức khá thấp, giảm đáng kể so với tháng trước.
Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư ưu tiên việc giữ tiền mặt hoặc tâm lý chờ đợi, chưa thực sự mạnh dạn chuyển tiền vào bất động sản. Tuy nhiên, về lâu dài, đất nền vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng.
Với nhà phố, biệt thự, DKRA cho biết nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông, dự kiến khi lệnh hạn chế tập trung đông người được gỡ bỏ, nguồn cung và tiêu thụ sẽ tăng, tuy nhiên mức tăng không đáng kể.