Trong những ngày gần đây, trên các trang website rao bán nhà đất, mỗi ngày có hàng trăm thông tin của các cơ sở khách sạn, homestay tại Đà Nẵng rao bán, sang nhượng. Giá cả tùy thuộc vào vị trí, số sao, đa phần nằm ngay ở những vị trí đắc địa, ven biển.
Thông tin rao bán khách sạn với nhiều lí do như nợ ngân hàng cần bán gấp, vỡ nợ vì dịch COVID-19 hoặc chuyển hướng kinh doanh ngành nghề khác nên bán khách sạn.
Có thể kể đến như tại đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà), một cá nhân rao bán 1 khách sạn gồm 20 tầng với 110 phòng khách sạn, nhà hàng, hồ bơi vô cực, 2 phòng hội nghị. Khách sạn này được rao bán với giá 280 tỷ.
Hay 1 khách sạn 3 sao gồm 10 tầng trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà). Đây được xem là vị trí vàng cực kỳ đắc địa gần ngay đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp du lịch nổi tiếng, cách biển 50m. Theo người đăng tải thông tin, nay cần tiền mặt bán gấp với giá chỉ 62,5 tỷ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khách quốc tế không có trong khi khách trong nước sụt giảm nặng nề.
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm mạnh trong năm 2020. Theo đó, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5% kế hoạch; trong đó, khách quốc tế ước đạt 644 nghìn lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, trước tình hình ảnh hưởng dịch một số cơ sở lưu trú đã thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ. Theo thông tin sơ bộ, hiện nay trên địa bàn TP. Đà Nẵng có khoảng 250-260 khách sạn/căn hộ/biệt thự đang rao bán, chiếm tỷ lệ 24.7% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn).
Ông Nguyễn Minh, một chủ khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng cho biết, khách sạn của ông là nơi lưu trú được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đà Nẵng, đặc biệt là khách Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2020, chỉ tiêu doanh thu mà khách sạn đề ra là 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của cả 2 đợt dịch COVID–19, doanh thu 8 tháng đầu năm còn chưa đến 2,2 tỷ đồng, thấp hơn cả doanh thu bình thường của 1 tháng thấp điểm.
Ông Minh hiện cũng Tổng Thư ký Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, ông Minh cho rằng, đó là tình trạng chung của tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Ngành khách sạn nói riêng và du lịch Đà Nẵng trong năm 2020 có thể nói là một năm "mất trắng".
"Mỗi tháng chi phí vận hành rất lớn, vừa mới phục hồi đón khách lại 1-2 tháng thì dịch lại bùng phát. Chủ nào xác định không thể duy trì thì tất yếu phải bán ra để thu hồi vốn", ông Minh cho hay.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, lượng khách du lịch giảm, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú hụt nguồn thu, trong khi họ vẫn phải chi trả tiền công cho người lao động, lãi suất ngân hàng... Cùng với khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, khiến cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, khách sạn đứng trước bờ vực phá sản.
"Ước tính thiệt hại của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Đà Nẵng là khoảng 80 – 85% so với doanh thu năm 2019", ông Dũng cho hay.
Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng đưa ra 4 đề xuất để "cứu" doanh nghiệp du lịch vào thời điểm này, đó là: giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch ít nhất đến hết năm 2020; tiếp tục áp dụng các chính sách giảm chi phí điện nước (đã dừng từ ngày 30/6) đến hết năm; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, khoang nợ, tại điều kiện các khoản vay mới.
Ngoài ra, Chính phủ cần điều chỉnh điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ, như trong đợt dịch lần 1, gần như không có doanh nghiệp nào tiếp cận được. Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu cơ chế về giảm khoản tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành, ít nhất đến năm 2021.