Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh, phát triển nhà ở thương mại giá thấp không đơn giản, phải làm sao đối tượng mua khác với nhà ở xã hội, cơ chế ưu đãi gì. Vậy, xây nhà thương mại giá thấp cho ai, nếu không cẩn thận các ông đủ điều kiện mua nhà giá cao mua hết nhà giá thấp.
"Chúng tôi không dùng từ nhà giá rẻ mà là nhà giá thấp. Thấp theo nhu cầu từng giai đoạn thị trường. Giá đất cấu thành nên nhà là bao nhiêu để đưa ra mức giá cuối cùng. Nhà ở thương mại giá thấp khác gì so với nhà ở xã hội, làm sao thị trường đang bán giá 30-40 triệu đồng/m2 mà cũng nhà ở thương mại có thể giảm xuống còn 12-19 triệu đồng/m2", ông Khởi chia sẻ.
Theo ông Khởi, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, cải tạo chung cư cũ đang là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ xây dựng giai đoạn 2021-2025. Đối với các thành phố lớn, nhà có giá dưới 25 triệu đồng/m2 được gọi là nhà giá thấp, còn các địa phương khác có thể đơn giá dưới 20 triệu đồng/m2, với diện tích khoảng 70m2. Vấn đề đặt ra cho Bộ xây dựng là, nếu làm không cẩn thận sẽ giống với nhà ở xã hội. Vì thế, nếu đúng mục tiêu là nhà thương mại giá thấp cho người thu nhập thấp thì cần phải nghiên cứu, thuế thu theo nguyên tắc thị trường.
Theo vị lãnh đạo này, chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp hiện đã có nhưng cần triệt để hơn, cần có tài chính để bố trí nguồn vốn hỗ trợ. Hiện pháp luật đã có quy định cơ chế hỗ trợ cho người mua nhà nhưng đang thiếu vốn. Trong thời gian tới, khi hoàn thành các cơ chế về chính sách, vốn (chính sách quy hoạch, đất đai, tài chính tín dụng, thủ tục đầu tư…) Bộ xây dựng sẽ có báo cáo cụ thể.
"Để ra được các chính sách, cơ chế mang tính pháp luật cần trao đổi, chẳng hạn tín dụng phải như thế nào, không miễn giảm như nhà ở xã hội nhưng có thể nộp chậm….", ông Khởi chia sẻ thêm.
Khi được hỏi, có những lo ngại về câu chuyện đầu cơ khi phát triển BĐS trong thời gian tới, ông Khởi cho rằng, về mặt nguyên tắc thị trường phải có đầu cơ, nhiều hay ít tùy từng giai đoạn, khu vực. Tuy vậy, để đầu cơ không dẫn đến tăng giá ảo thì phải quản lý.
Cụ thể, quản lý đối tượng môi giới, thông tin minh bạch để không bị nhiễu thông tin, dẫn đến NĐT không hiểu. Thậm chí, có những NĐT không thích đầu cơ nhưng vẫn đi đầu cơ theo phong trào mà không rõ thông tin. Cùng với đó, chính sách phải rõ ràng, cụ thể để cho địa phương, doanh nghiệp và người dân nắm được.