Chia sẻ tại tọa đàm về căn hộ sức khỏe do báo Dân Trí tổ chức mới đây, các chuyên gia trong ngành cho rằng, khi dịch bệnh diễn ra, nhu cầu về căn hộ sức khỏe tăng lên. Khách hàng cũng sẵn lòng chi nhiều hơn để trả cho những căn hộ sức khỏe.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, khái niệm căn hộ sức khỏe khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam, nhưng đã xuất hiện thời gian dài và thịnh hành tại các nước trong khu vực. Nếu đi sâu hơn về những năm trước để xem khởi đầu của nó như thế nào, thì căn hộ sức khỏe bắt đầu manh nha hình thành từ khi xuất hiện những khuôn mẫu, ví dụ sức khỏe gọi là wellness resort.
Những khu nghỉ dưỡng trước đây đơn thuần là để cho khách đến đến du lịch, nghỉ dưỡng 1-2 lần/năm. Sau đó, các chủ đầu tư thấy rằng trong số khách hàng đó có những người muốn kết hợp việc nghỉ dưỡng và nâng cao sức khỏe của mình sau thời gian làm việc rất vất vả. Từ đó hình thành nên những khu nghỉ dưỡng sức khỏe.
Những khu nghỉ dưỡng sức khỏe này thường kết hợp thêm các yếu tố để tăng tiện nghi tiện ích như spa, khu vật lý trị liệu, thậm chí là kết hợp với các bệnh viện để mang đến những gói chăm sóc/nâng cao sức khỏe cho người nghỉ dưỡng. Hiện tại khái niệm khu nghỉ dưỡng sức khỏe đã khá thịnh hành.
Sau đó, các khách hàng này nhận thấy rằng một năm họ đi nghỉ dưỡng 1-2 lần hoặc đến các khu vực nghỉ dưỡng sức khỏe mỗi tuần một lần vẫn là chưa đủ. Họ cần tái tạo sức khỏe hàng ngày. Với những áp lực công việc, sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng từ môi trường hay ô nhiễm tiếng ồn ở những thành phố lớn/thành phố công nghiệp thì nhu cầu nghỉ dưỡng, tái tạo sức khỏe cần diễn ra hàng ngày chứ không phải mỗi năm 1-2 lần.
Và điều này thúc đẩy hình thành căn hộ sức khỏe. Điều đó có nghĩa là họ sẽ mua những căn hộ làm sao để mỗi ngày khi làm việc trở về, họ được hồi phục, tái tạo lại sức khỏe ngay trong ngôi nhà của mình, không cần đợi đến lúc đi nghỉ dưỡng nữa.
Tại các thị trường trong khu vực, theo bà Dung, các chủ đầu tư ngày càng chú ý phát triển những dự án căn hộ sức khỏe. Ở Thái Lan hay Singapore các chủ đầu tư đều kết hợp những công nghệ liên quan đến các yếu tố như không khí, ánh sáng và nước để làm sao những yếu tố này kết hợp lại với nhau và mang đến một trải nghiệm tổng thể để tăng cường sức khỏe của cư dân sinh sống tại đó.
Hay có những chủ đầu tư Thái Lan còn kết hợp với những bệnh viện hàng đầu trong nước để đưa dịch vụ khám chữa bệnh di động về căn hộ của mình, đưa các trung tâm vật lý trị liệu về căn hộ để cư dân được khám chữa bệnh miễn phí hoặc có phí. Bên cạnh đó họ cũng cũng đầu tư những yếu tố liên quan đến việc phát triển căn hộ hoặc khuôn viên mà tôi đã có đề cập đến ở trên như căn hộ xanh sạch, không khoáng, lọc không khí…
Như vậy để thấy rằng, xu hướng đó đang khá thịnh hành và bắt nguồn từ nhu cầu của người dân. Xã hội càng phát triển thì tháp nhu cầu của người dân ăn càng cao. Họ mua nhà không chỉ là nơi để sống mà còn là nơi để sống khỏe. Và nhu cầu đó mà càng đi lên.
Về giá bán, hầu hết các dự án hướng tới cuộc sống lành mạnh, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cho cư dân đều cao hơn so với những dự án tương đồng trong cùng một khu vực, với mức chênh lệch ít nhất là 20-30%.
"Tôi nghĩ rằng những cư dân có nhu cầu mua những căn hộ này đều chấp nhận vì để xây dựng những căn hộ như vậy, các chủ đầu tư phải đầu tư rất nhiều cho những tiện nghi tiện ích. Nhưng vẫn sẽ có những người mua sẵn sàng bỏ tiền ra để bảo vệ sức khỏe của họ. Đây đã là xu hướng ngay từ trước khi có dịch Covid-19 và khi đại dịch xảy ra nó lại càng là một xu hướng nổi trội", bà Dung khẳng định.
Cũng theo vị chuyên gia này, đối với những dự án căn hộ sức khỏe cũng như những dự án áp dụng những ý tưởng mới, chủ đầu tư thường không bán giá cao trong giai đoạn đầu. Bởi vì muốn giới thiệu sản phẩm đến với người mua, chủ đầu tư sẽ cố gắng đưa ra mức giá không quá cao, tất nhiên là cũng có cao hơn so với những dự án khác. Nhưng sau thời gian thị trường đã làm quen, những sản phẩm này thường được bán với giá cao hơn. Với những sản phẩm phát triển bền vững đáng để đầu tư nhưng tất nhiên xem xét xem sản phẩm đó có đi theo hướng phát triển bền vững hay không.
Khi được hỏi, căn hộ sức khỏe có trở thành xu hướng lâu dài thời gian tới hay chỉ là một cách tiếp thị sản phẩm của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?, bà Dung cho rằng, để xem đó có phải là một xu hướng lâu dài hay không, cần phải nhìn vào nhu cầu thực tế của người mua.
Thời gian qua đúng là thị trường đã nhìn thấy những nhu cầu chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi sau đó lại mất đi. Do chúng ta đang ở tâm dịch, Nên nhiều người lo lắng đi tìm một căn hộ, nhưng liệu qua dịch họ có còn ưu tiên những căn hộ như vậy hay không thì phải nhìn vào nhu cầu của họ có bền vững hay không. Nhu cầu bền vững thì mới dẫn đến xu hướng bền vững.
Nếu nhìn rộng ra về xu hướng của người mua, trong vòng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là trong khoảng 5 năm gần đây, người tiêu dùng rất là quan tâm đến sức khỏe, qua việc ăn uống của họ. Đơn giản như là những thực phẩm hữu cơ, 5 năm trước không có nhiều người quan tâm đến rau hữu cơ, dù số lượng người cung cấp đã nhiều.
Nhưng mà 5 năm trở lại đây, nhiều người bạn của tôi chỉ mua rau hữu cơ thôi hoặc nếu không thì họ cũng chỉ mua những thực phẩm mà họ chắc chắn về nguồn gốc xuất xứ. Điều đó cho thấy nhu cầu bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho thế hệ thứ hai - con gái của họ ngày càng quan trọng. Và đến bây giờ thì rau hữu cơ không còn là một khái niệm mới mẻ, mà đã trở thành sản phẩm thường dùng của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập cao.
"Quay lại câu chuyện mua nhà, tôi nghĩ là nhu cầu về sức khỏe không phải là một nhu cầu ngày một ngày hai mà là nhu cầu bền vững. Chúng ta thấy rằng những tác động từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn kể cả căng thẳng trong công việc, không bớt đi mà ngày càng nghiêm trọng hơn; nên nhu cầu nâng cao - tái tạo và hồi phục sức khỏe là một nhu cầu bền vững. Nó sẽ là đề bài cho những chủ đầu tư làm sao để phát triển sản phẩm này", bà Dung khẳng định.
Theo chuyên gia CBRE, để một xu hướng bền vững thì không chỉ dựa vào nhu cầu của người mua. Người mua luôn luôn có nhu cầu như thế nhưng để nó phát triển bền vững thì còn cần sự tham gia của nhà đầu tư. Sản phẩm đó có đáp ứng được nhu cầu của người mua hay không? Có thực sự nâng cao được sức khỏe hay chỉ là những lời hứa hẹn trên giấy?
Các chủ đầu tư có phát triển sản phẩm đúng như những gì họ đã cam kết với người mua hay không? Lúc đấy họ mới mang được niềm tin cho người mua và dần dần phát triển thị trường lên. Có bền vững hay không thì có, nhưng để phát triển lên thì không thể trong ngày một ngày hai mà cần có thời gian và cần phải có sự tham gia từ cả hai phía là người mua và chủ đầu tư.