Theo tờ trình, diện tích tự nhiên của Phú Quốc là 589,27km2, dân số 179.480 người, có 10 xã, thị trấn. Sau khi lên TP. Phú Quốc sẽ có 9 đơn vị cấp xã, gồm 7 xã và 2 phường.
Một góc huyện đảo Phú Quốc
Những điều kiện thuận lợi để thành lập TP. Phú Quốc cũng được Bộ Nội vụ nêu rõ. Cụ thể, Phú Quốc hiện có 320 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340.000 tỷ đồng, diện tích khoảng 10.900ha, trong đó có 47 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư khoảng 13.504 tỷ đồng, diện tích 1.202ha. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 56.547 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là hơn 2.306 tỷ đồng, tổng thu ngân sách đạt hơn 5.257 tỷ đồng. Số lượng du khách đến Phú Quốc trong năm 2019 đạt hơn 3 triệu lượt, chiếm khoảng 60% lượng khách của tỉnh Kiên Giang. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 là 0,65%, giảm so với mức 0,93% trong năm 2017.
Phú Quốc được công nhận là đô thị loại 2 từ năm 2014. Tuy vậy, Phú Quốc vẫn quản lý theo mô hình chính quyền nông thôn kéo theo nhiều vấn đề bất cập. Với sự phát triển mạnh, hai thị trấn Dương Đông và An Thới có nhiều chuyển biến trong quá trình phát triển đô thị, xứng đáng được thành lập phường.
Việc thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc đáp ứng các quy định tại khoản 2, Điều 128, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể gồm: phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị, chương trình phát triển đô thị tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; quy hoạch chung đô thị Phú Quốc đến năm 2030; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 đến 2020.
Theo Bộ Nội vụ, Phú Quốc đạt các tiêu chuẩn để thành lập thành phố và các phường thuộc TP. Phú Quốc. Căn cứ theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Khánh Trang