Người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất tại Việt Nam: Cần tính đến việc điều chỉnh Luật

Đã đến lúc tính đến việc điều chỉnh Luật để giải quyết vấn đề an ninh quốc phòng liên quan đến việc người nước ngoài sở hữu BĐS “đắc địa” tại Việt Nam.


TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội

Luật không sai nên không thể xử lý

Trước thực trạng có đến 149 doanh nghiệp Trung Quốc 'sở hữu' đất biên giới, chia sẻ với DĐDN mới đây, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng về hình thức, việc người Việt đứng tên các BĐS đắc địa và các doanh nghiệp (bao gồm cả liên doanh, FDI, cổ phần có yếu tố nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc) được phép thuê có thời hạn các BĐS là phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp có dự án tại các BĐS “đắc địa”, các tổ chức của Trung Quốc lúc đầu thường có tỷ trọng sở hữu thấp, sau đó họ dần mua lại, thâu tóm khiến tỷ lệ sở hữu của người Việt Nam dần mất đi. Việc thông qua doanh nghiệp Việt Nam sở hữu các nhà ở, thuê dài hạn các dự án này hiện không trái pháp luật Việt Nam.

"Thực tế đang đặt ra vấn đề bất cập nhưng Luật Đầu tư chưa điều tiết được. Vì không sai nên không thể xử lý", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để đảm bảo tính độc lập, quyền của người có quốc tịch Việt Nam và an ninh quốc phòng đã đến lúc tính đến việc điều chỉnh Luật. Phải có giải pháp giảm tình trạng cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu các BĐS “đắc địa” và có vị trí chiến lược, đặc biệt là tại các tỉnh thành dọc biên giới hoặc ven biển.

Bên cạnh đó, phải thể chế hóa các quy định liên quan đến việc cá nhân nước ngoài và các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu BĐS bằng cách trong các quy hoạch có thể xác định rõ các khu vực mà dự án đầu tư xây dựng được phép hoặc không có yếu tố nước ngoài.

Các địa phương khó quản lý

Liên quan đến câu chuyện quản lý người Việt ở nước ngoài (Việt kiều) và người nước ngoài sở hữu các BĐS tại Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết trước đây chủ trương của Việt Nam đã dành hẳn một khu riêng cho người nước ngoài và Việt kiều như khu làng Việt Kiều (tại Hà Đông, Hà Nội), quy hoạch từ đầu nên dễ quản lý. Hiện nay cho phép xen lẫn dẫn đến việc khó quản lý hơn.

Hiện nay, liên quan đến việc người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam đã có quy định các tỉnh thành phố trong cả nước cần công bố danh mục các khu vực, danh mục dự án cần đảm bảo an ninh quốc phòng và không cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ chung cư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện các quy định này của các địa phương chưa đồng bộ, thống nhất và triệt để.

khu đô thị gồm nhiều ngôi nhà nằm san sát