Theo ông Đính, thực trạng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang theo xu hướng và thói quen đầu tư cũ. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường đi theo đám đông, nghe lời đồn đoán và thường bị các hình ảnh quảng cáo cũng như chỉ nghe một phía từ chủ đầu tư để quyết định xuống tiền. Họ thường không tiến hành thẩm định, thẩm tra, đánh giá toàn diện các dữ liệu thông tin về dự án cũng như khả năng kinh doanh, lợi thế dự án, năng lực chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành sau đầu tư cũng như sự phù hợp của sản phẩm và những ưu thế nổi trội hay giá bán...
Sau những biến cố liên tiếp như đổ vỡ cam kết lợi nhuận, đại dịch Covid-19 hoành hành, giao dịch trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng từ đầu năm 2020 đến nay sụt giảm mạnh và nhà đầu tư có tâm lý e ngại, dè chừng. Tuy nhiên, theo ông Đính, với tiềm năng lớn về du lịch, trong trung và dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ chuyên nghiệp hơn, cẩn trọng hơn trong việc đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Những dự án yếu thế, kém khả năng khai thác kinh doanh, không có phương án kinh doanh cụ thể, không có tính hiệu quả sẽ không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư.
Để việc đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng hiệu quả, ông Đính đưa ra một số nguyên tắc mà nhà đầu tư nên tuân thủ.
Thứ nhất, nhà đầu tư cần chú trọng lựa chọn khu vực đầu tư. Mặc dù bờ biển Việt Nam dài hơn 3.000km và có nhiều khu vực rất đẹp, rất có lợi thế khai thác du lịch nhưng không phải ở đâu cũng có thể kinh doanh du lịch hiệu quả.
Trong trung và dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn được đánh
giá là kênh đầu tư hấp dẫn. Ảnh minh họa
Những yếu tố nhà đầu tư cần phải xem xét để đánh giá tính hiệu quả của một khu vực du lịch tiềm năng gồm cảnh quan, khí hậu, môi trường, danh lam, thắng cảnh; hạ tầng giao thông kết nối: nội bộ, liên vùng, quốc tế; quy hoạch phát triển kinh tế địa phương, trong đó có ngành du lịch; khoảng cách đến các điểm ga hàng không, đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường biển; thực trạng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ cho du lịch địa phương như vui chơi, giải trí, tham quan, ẩm thực, thương mại, mua sắm, sòng bài, đa dạng phương tiện vận chuyển...; chất lượng hệ thống dịch vụ, văn hoá ứng xử; sức hút và thực tế lượng khách đến địa phương để du lịch - nghỉ dưỡng.
Thứ hai, nhà đầu tư cần chú trọng lựa chọn sản phẩm đầu tư. Nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng hiện nay ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng nên đòi hỏi các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng luôn phải đổi mới, đầu tư đa dạng tiện ích với chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực hút khách mới đảm bảo hiệu quả đầu tư kinh doanh. Một khu du lịch muốn hút được nhiều khách cần phải đầu tư đồng bộ hệ sinh thái dịch vụ với nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, mua sắm, thể thao, hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hoá, nhạc hội, công viên sinh thái đa dạng loài động thực vật.
Nhà đầu tư cần phải đánh giá được lực hút khách của dự án mà mình đang xem xét, khả năng kinh doanh ổn định và tính bền vững. Dự án càng đầu tư đồng bộ, đa dạng thì càng có nhiều khả năng sinh lời tốt.
Thứ ba, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần lựa chọn kĩ càng chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành kinh doanh. Về chủ đầu tư, nhà đầu tư cần chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính uy tín và trung thực trong các báo cáo tài chính đi cùng với đó là năng lực triển khai. Chủ đầu tư đó cũng phải tâm huyết với dự án và luôn có nhu cầu đổi mới để đáp ứng chất lượng, thoả mãn nhu cầu khách hàng.
Về đơn vị quản lý vận hành, nhà đầu tư nên lựa chọn các thương hiệu quốc tế đã được khẳng định. Thương hiệu đó có hệ thống thị trường du lịch quốc tế và đã chứng tỏ sự thành công ở Việt Nam.
Thứ tư, nhà đầu tư đặc biệt lưu ý lựa chọn giá bán sản phẩm, không nên chọn giá rẻ mà cam kết lợi nhuận cao. Nếu dự án được đầu tư đồng bộ, đầu tư đa dạng loại hình dịch vụ, mật độ xây dựng công trình lưu trú thấp, mật độ hạ tầng dịch vụ cao thì cho dù giá sản phẩm có cao cũng không nên bỏ qua cơ hội đầu tư vì đây mới có thể là loại dự án mang lại hiệu quả và sinh lời cao.
An An