Nhập trạch hiểu đơn giản là làm lễ trước khi vào nhà mới để khai báo với các vị cai quản khu vực về việc chủ nhà cùng các thành viên trong gia đình sẽ chuyển đến ở nhà mới với ngụ ý cầu mong sự che chở của các vị quan, thần linh hay thổ địa cai quản khu vực đó.
Tại sao lại phải cúng nhập trạch nhà chung cư?
Ông bà ta từ xưa quan niệm rằng, mỗi khu vực, mỗi vùng đất đều có thần linh cai quản. Bất cứ ai khi chuyển đến hay đi đều phải làm lễ trình báo xin phép để được chấp thuận, có như vậy cuộc sống sau này mới thuận lợi và được “bề trên” phù hộ.
Trong văn hóa người Việt, việc cúng bái cần được tiến hành nghiêm túc và đầy đủ thủ tục. Nếu làm không đúng, thần linh sẽ trách phạt và cuộc sống không được suôn sẻ. Khi làm lễ nhập trạch cũng vậy, gia chủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Gia chủ đang thực hiện nghi lễ cúng nhập trạch nhà chung cư trước khi dọn vào ở.
Chọn ngày nhập trạch nhà chung cư
Theo quan niệm dân gian, một trong những thủ tục làm lễ nhập trạch nhà chung cư là chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ. Cụ thể, ngày tốt phải hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, là ngày hoàng đạo, thuận lợi với gia chủ. Có như vậy mới giúp gia đình gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Có nhiều hình thức lựa chọn ngày đẹp để nhập trạch nhưng phổ biến hơn cả là 3 cách dưới đây:
- Chọn theo giờ hoàng đạo: Trong ngày có nhiều khoảng thời gian, gia chủ cần chọn giờ tốt (khi trời và đất giao hòa) để nhập trạch thì sẽ thuận lợi cho gia chủ.
- Chọn ngày theo tuổi gia chủ: Ngày, giờ đẹp được lựa chọn dựa theo ngày, tháng, năm sinh của người chủ gia đình.
- Chọn ngày theo phong thủy: Bạn có thể nhờ thầy phong thủy chọn giúp ngày đại cát để làm lễ nhập trạch căn cứ vào hướng và vị trí nhà.
Dù chọn ngày, giờ nhập trạch theo cách nào thì cũng nên tránh những ngày xấu dưới đây:
- Ngày Ngọ tháng Giêng
- Ngày Mùi tháng Hai
- Ngày Thân tháng Ba
- Ngày Dậu tháng Tư
- Ngày Tuất tháng Năm
- Ngày Hợi tháng Sáu
- Ngày Tý tháng Bảy
- Ngày Sửu tháng Tám
- Ngày Dần tháng Chín
- Ngày Mão tháng Mười
- Ngày Thìn tháng Mười một
- Ngày Tị tháng Chạp
Mặt khác, ông bà ta quan niệm rằng, nửa đầu, nửa đoạn thì làm việc gì cũng dang dở, vất vả. Do đó, khi dọn về nhà mới cũng cần tránh những ngày Nguyệt kị trong tháng – đó là những ngày có số cộng vào bằng 5, gồm các ngày:
- Ngày 05 (0 5=5)
- Ngày 14 (1 4=5)
- Ngày 23 (2 3=5)
Ngoài ra, khi chọn ngày nhập trạch, gia chủ tránh chọn ngày tam nương sát. Đây là các ngày mà Ngọc Hoàng sai tam nương xuống hạ giới làm mê muội lòng người nên công việc sẽ bị trì trệ. Đó là các ngày:
- Ngày sơ Tam dữ sơ Thất (ngày 3 và ngày 7)
- Thập tam Thập bát dương (ngày 13 và ngày 18)
- Chấp nhị dữ Chấp thất (ngày 22 và 27)
Sắm mâm nhập trạch nhà chung cư
Ngoài chọn ngày tốt để nhập trạch, gia chủ cần chuẩn bị đồ cúng nhập trạch chu đáo, cẩn thận. Tùy thuộc vào điều kiện gia đình mà đồ cúng nhập trạch có thể gọn nhẹ hay long trọng nhưng vẫn nên có đủ 3 phần chính là mâm cơm, ngũ quả và hương hoa.
- Mâm cơm: Ngoài gà luộc, xôi, bộ tam sên (1 miếng thịt luộn, 1 con tôm luộc, 1 trứng vịt luộc), gia chủ cũng có thể chuẩn bị thêm những món khác. Bên cạnh đó, cần có 3 ly trà, 3 điếu thuốc và 3 ly rượu.
- Mâm ngũ quả: Gia chủ chọn 5 loại trái cây khác nhau còn tươi, đem rửa sạch, lau khô trước khi cúng.
- Hương hoa: Chọn những loài hoa mang ý nghĩa may mắn như hoa hồng, hoa cúc. Lưu ý, phải chọn hoa còn tươi. Bên cạnh đó, gia chủ chuẩn bị thêm hương nhang, 3 hũ đựng muối, gạo và nước, 1 đĩa muối gạo, 1 cặp đèn cầy, 3 miếng cau trầu.
Đồ lễ nhập trạch nhà chung cư.
Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm 6 con ngựa đa màu sắc, mũ kiếm, quần áo, giày. Mũ áo quan, tào quan, giấy tiền, vàng lá, nến mỗi thứ 5 tập, đặt tại các hướng Nam – Tây – giữa nhà- Bắc – Đông tương ứng.
Cùng với mâm lễ cúng, gia chủ cần chuẩn bị sẵn các đồ cúng bao gồm:
- Bếp: Bếp than, bếp từ, bếp ga… nên ưu tiên loại bếp có ánh lửa
- Ấm nước: Để nấu nước dâng lên lúc cúng và cho mọi người uống
- Bếp than hoặc bếp ga mini đặt trước cửa lúc mọi người bước từ ngoài vào
- Các vật dụng trong nhà như bát đũa, xoong nồi, thau chậu, chổi quét nhà...
Văn khấn nhập trạch nhà chung cư
Khi nhập trạch nhà chung cư, gia chủ cần đọc văn khấn thần linh trước rồi văn khấn cáo yết gia tiên sau.
Nội dung văn khấn thần linh:
“Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Các ngài Thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là:………………………………………
Hôm nay là ngày… tháng… năm… tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án. Trước bản tọa chư vị Tôn thần tín chủ con kính cẩn tâu trình:
Các vị Thần linh,
Thông minh chính trực
Giữ ngôi tam thai
Nắm quyền tạo hoá
Thể đức hiếu sinh
Phù hộ dân lành
Bảo vệ sinh linh
Nêu cao chính đạo. Nay gia đình chúng con hoàn tất tân gia, chọn được ngày lành dọn đến cư ngụ, phần sài nhóm nhóm lửa, kính lễ khánh hạ. Cầu xin chư vị minh Thần cho chúng con được nhập vào nhà mới tại:………………………………. và lập bát nhang thờ chư vị Tôn thần.
Chúng con xin phép chư vị Tôn thần cho rước vong linh Gia tiên chúng con về ở nơi này để thờ phụng. Chúng con cầu xin chư vị minh Thần gia ân tác phúc, độ cho gia quyến chúng con an ninh, khang thái, làm ăn tiến tới, tài lộc dồi dào vạn sự như ý, vạn điều tốt lành.
Tín chủ lại mời các vong linh Tiền chủ, Hậu chủ ở trong nhà này, đất này xin cùng về đây chiêm ngưỡng Tôn thần, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho tín chủ con sức khoẻ dồi dào, an khang, thịnh vượng. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!”
Nội dung văn khấn cáo yết gia tiên:
“Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Kính lạy Tiên nội ngoại họ………………………
Hôm nay là ngày... tháng... năm...
Gia đình chúng con mới dọn đến đây là:...........…………..
Chúng con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước ban thờ Cụ nội ngoại gia tiên. Nhờ hồng phúc tổ tiên, ông bà cha mẹ, chúng con đã tạo lập được ngôi nhà mới. Nhân chọn được ngày lành tháng tốt, thiết lập án thờ, kê giường nhóm lứa, kính lễ khánh hạ.
Cúi xin các cụ, ông bà cùng chư vị Hương linh nội ngoại họ……………….. thương xót con cháu, chứng giám lòng thành, giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho chúng con, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, cháu con được bình an mạnh khoẻ.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!”
Thủ tục nhập trạch nhà chung cư
Sau khi nhận bàn giao nhà chung cư, chủ chưa vội chuyển đồ đạc vào nhà khi chưa làm lễ mà chỉ mang các vật dụng cơ bản, mang tính tượng trưng cho hành lễ vào trước khoảng 30 phút – 1 tiếng.
Thủ tục nhập trạch về nhà mới chung cư đúng nghi thức sẽ được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1. Gia chủ đốt bếp than hoặc bếp ga mini đặt giữa cửa chính cho mọi người đi qua. Lưu ý, không dùng bếp từ vì không có ánh lửa.
Bước 2. Chủ nhà cầm bát nhang cùng bài vị gia tiên bước qua bếp đầu tiên (nên bước chân trái trước, chân phải sau). Các thành viên trong gia đình mang theo các dụng cụ gia đình (gạo, chổi, muối, đệm, chiếu…) đi theo sau. Người đi cuối cùng mang theo mâm cúng lễ.
Bước 3. Đặt mâm cúng lên bàn thờ cùng vàng mã, hương hoa. Gia chủ thắp nhang rồi vái 3 vái, sau đó cắm nhang vào bát hương.
Bước 4. Gia chủ đọc văn khấn về nhà chung cư mới khẩn xin thần linh, thổ công cho phép rước vong linh tổ tiên về ngự tại nơi ở mới.
Bước 5. Bật bếp đun sôi nước. Lấy nước sôi vừa đun đem pha trà và rót 3 chén trà đặt lên bàn thờ. Ngoài ra, cần mở vòi nước bồn rửa, bồn tắm trong nhà chảy chậm, nhớ đậy kín nắp bồn nhằm thể hiện mong muốn cuộc sống no đủ. Đừng quên bật quạt cho gió thổi các hướng trừ hướng cửa chính.
Bước 6. Vái tạ rồi hóa vàng. Khi hương cháy được một nửa tức là đã hoàn tất lễ nhập trạch nhà chung cư.
Lưu ý:
- Nếu chỉ làm lễ để lấy ngày mà chưa dọn vào ở ngay thì gia chủ nên ngủ lại một đêm ở nhà mới.
- Khi vào nhà mới, gia chủ và các thành viên trong gia đình phải mang theo một món đồ vào nhà, tránh đi tay không. Gia chủ phải tự cầm bát hương và bài vị tổ tiên, các thành viên khác sẽ mang vật dụng trong nhà vào sau.
- Sáng sớm hoặc buổi trưa là thời gian đẹp nhất để làm lễ nhập trạch. Tránh dọn vào nhà mới khi mặt trời đã lặn vì không mang lại may mắn.
- Trong ngày chuyển đến nhà mới, các thành viên trong gia đình nên giữ tâm trạng vui vẻ, tránh cãi vã, to tiếng hay nói điều không may mắn.
- Nên bật tất cả các đèn trong 3 đêm đầu tiên ở nhà mới, đây là cách giữ vượng khí cho ngôi nhà.
Trên đây là thủ tục làm lễ nhập trạch nhà chung cư đúng phong tục nước ta. Dù nghi thức này mang ý nghĩa quan trọng nhưng gia chủ không cần quá lo lắng, căng thẳng bởi sự nghiêm túc và thái độ thành tâm mới là điều quan trọng nhất khi thực hiện các nghi lễ cúng bái.