Sửa ngay 5 sai lầm thường gặp khi bài trí nội thất làm cản trở luồng lưu thông trong nhà

Bài trí nội thất chưa bao giờ là một công việc đơn giản, đặc biệt với người ngoại đạo. Để tránh rơi vào "mớ bòng bong" do chính mình tạo ra, việc nắm rõ những lỗi thường gặp khi bài trí nội thất cũng như cách khắc phục là điều cực kỳ cần thiết.

Dù chuyển đến nhà mới hay đơn giản chỉ là trang trí lại nhà cửa đón Tết thì tối đa hóa không gian, thêm thắt dấu ấn cá nhân và tạo sự thuận tiện trong quá trình sinh hoạt chắc hẳn là những mục tiêu mà ai cũng hướng tới. Cho dù đảm bảo sự cân bằng giữa cả ba mục tiêu này không hề đơn giản chút nào nhưng vẫn có cách để đạt được sự hài hòa, giúp cho không gian sống trở nên dễ chịu, thuận tiện hơn.

Dưới đây, các chuyên gia nội thất đã hướng dẫn cách khắc phục 5 sai lầm gây cản trở luồng lưu thông trong nhà mà phần đông mọi người đều mắc phải khi bài trí nhà cửa.

Kê nội thất dọc theo tường

Phần đông mọi người vẫn kê một lượng lớn đồ nội thất dọc theo tường nhà mà không hề biết rằng làm như vậy sẽ cản trở luồng lưu thông trong nhà. Thay vì đẩy tất cả nội thất vào sát tường, hãy lựa chọn tiêu điểm có tần suất sử dụng nhiều nhất và tạm quên đi những chi tiết khác. Đặt nội thất thiết yếu như sofa chẳng hạn ở ngay trước tiêu điểm của căn phòng (cửa sổ chẳng hạn). Hãy nhớ rằng, bài trí nội thất không đơn giản là sắp xếp đồ dùng trong không gian mà còn tạo nên sự hấp dẫn về mặt kiến trúc và thị giác.

sofa kê trước cửa sổ trong bài trí nội thất
Khi bài trí nội thất trong nhà, bạn có thể đặt sofa ngay trước cửa sổ nhằm mang tới nét hấp dẫn trực quan.

Tương tự, một chiếc ghế "nhấn" không nhất thiết phải nằm ở góc nhà mà có thể được đặt ở khu vực trung tâm; giường ngủ có thể được kê ở chính giữa tường thay vì bị "nhét" vào trong góc nhà.

Chướng ngại vật

Chướng ngại vật trong thiết kế nội thất có thể là trở ngại vật lý hoặc chướng ngại mang tính thị giác, đôi khi có thể là cả hai. Yêu cầu chung là mọi người phải cảm thấy dễ dàng khi bước vào một không gian.

Lấy văn phòng làm ví dụ. Thông thường, ai cũng muốn tránh hướng lưng ra cửa/lối ra vào. Vị trí làm việc như vậy khiến người ngồi dễ bị sợ hãi khi có người đi từ phía sau lưng. Chưa kể, quay lưng ra cửa cũng thể hiện sự thiếu cởi mở, thân thiện. Nếu có thể, hãy đặt bàn làm việc vuông góc với cửa/lối vào. Vị trí này mang lại sự tập trung cho công việc mà vẫn bao quát được mọi thứ. Người ngồi vẫn nhìn thấy cửa, không cảm thấy bị ngột ngạt, không phải đối diện trực tiếp với lối ra và không bị phân tâm mỗi khi có ai đó bước vào phòng.

Trong trường hợp không thể bố trí bàn làm việc như vậy, hãy treo một tấm gương lên tường ngay phía trên bàn làm việc để bạn có thể nhìn thấy lối vào và người khác cũng dễ dàng nhìn thấy khuôn mặt bạn.

Tỷ lệ không phù hợp

Một trong những thủ phạm lớn nhất gây bất tiện khi lưu thông trong nhà là tỷ lệ không phù hợp. Tỷ lệ bất tương xứng gây ra nhiều vấn đề. Đặt nội thất quá lớn trong không gian quá nhỏ có thể "giết chết" cảm nhận về không gian. Trong đó, nội thất mềm (những sản phẩm làm bằng vải, bông như rèm cửa, sofa, thảm trải sàn, chăn, ga, gối, đệm...) thường là thủ phạm tồi tệ nhất. Chẳng hạn, một chiếc sofa quá khổ có thể phá hỏng tổng thể phòng khách. Không chỉ kém sang, khiến không gian thiếu thân thiện, nội thất quá khổ còn gây cản trở lưu thông trong phòng. Trong khi đó, nội thất kích cỡ quá nhỏ lại gây ra cảm giác lạc lõng và không cho phép bạn tận dụng tối đa không gian. Do vậy, dù là lựa chọn nội thất hay đồ trang trí như đèn, tranh ảnh thì nhất định phải tính toán đến tỷ lệ giữa kích thước đồ dùng với diện tích căn phòng.

Thiếu hụt hoặc dư thừa ánh sáng

Khi bài trí nội thất, ưu tiên hàng đầu với mọi không gian là tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng sự thay đổi của ánh sáng tự nhiên qua từng thời điểm khác nhau trong ngày. Màu sắc và cảm xúc cũng được thay đổi theo ánh sáng. Do đó, nếu có thể, hãy bố trí phòng khách và những không gian sinh hoạt chung gần cửa sổ. Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, cảnh quan và không khí trong lành sẽ mang đến cảm giác thoải mái, tươi sáng, tràn đầy sức sống cho không gian nội thất và những người sống trong đó.

Sau đó, chúng ta mới xem xét đến việc bổ sung các lớp ánh sáng nhân tạo để đảm bảo quá trình sinh hoạt vẫn diễn ra trôi chảy, đặc biệt là vào buổi tối. Về ánh sáng nhân tạo, bạn có thể tham khảo học thuyết cơ bản cho ngành thiết kế ánh sáng đương đại của Richard Kelly.

Theo học thuyết này, mọi không gian nên có 3 loại ánh sáng riêng biệt: ánh sáng tiêu điểm, ánh sáng chiêm nghiệm và ánh sáng trình diễn. Ánh sáng tiêu điểm có thể là đèn đọc sách, đèn bàn, đèn soi tranh hay đèn nhấn. Ánh sáng chiêm nghiệm lấp đầy không gian một cách đồng đều, đó có thể là đèn sàn, đèn thả hay đèn gắn tường. Ánh sáng trình diễn có thể là đèn treo tường, đèn chùm hay thậm chí là ánh nến. Đó là những thứ khơi gợi trí tưởng tượng hoặc kích thích giác quan.

Để nhà cửa lộn xộn

Từ đống giày dép nhếch nhác cho đến những món đồ lưu niệm lộn xộn trên mặt tủ đồ gần cửa ra vào, sự bừa bộn sẽ phá vỡ luồng lưu thông trong nhà. Một không gian lộn xộn phản ánh một tâm trí lộn xộn và ngược lại, không gian càng sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng thì càng mang tới nhiều năng lượng tích cực. Như vậy, mọi vật dụng hiện diện trong nhà đều phản ánh tính cách và cộng hưởng với năng lượng của chính chủ nhân căn nhà đó. Hãy rà soát lại toàn bộ các món đồ trong nhà, cân nhắc về công dụng, ý nghĩa của chúng và loại bỏ những món đồ không cần thiết.

Với những đồ lặt vặt như dây giày, ô, mũ, nón, áo mưa... hãy tìm cách cất giấu chúng đi hoặc dành ra một không gian chuyên biệt cho chúng. Chẳng hạn, một chiếc khay nhỏ trên bàn trà để đựng điều khiển, điện thoại; một ô tủ ngay lối vào để treo áo khoác, ô hay mũ, nón; một chiếc kệ nhỏ cạnh cửa ra vào là nơi để chìa khóa, kính mắt...

>> Xu hướng nội thất năm 2021: Phong cách, màu sắc và vật liệu nào sẽ thịnh hành?