Thông thường, sàn nhà ở những khu vực thường xuyên có nhiều người qua lại như phòng khách, bếp, phòng ăn, phòng tắm, lối vào, hành lang nên được quét hoặc hút bụi mỗi ngày và lau mỗi tuần một lần. Đặc biệt, mỗi loại sàn lại có cách vệ sinh riêng.
Sàn gạch
Gạch là vật liệu lát sàn được sử dụng phổ biến bởi giá thành “mềm”, kiểu dáng phong phú, màu sắc đa dạng và đặc biệt là rất dễ lau chùi, bảo dưỡng. Để làm sạch sàn gạch, bạn có thể dùng máy hút bụi để hút sạch bụi bẩn, sau đó dùng cây lau nhà hay giẻ để lau sạch lại các vết bẩn, chú ý các góc chết của ron gạch.
Với các vết bẩn cứng đầu bám trên các đường ron, bạn có thể phải nhờ tới sự hỗ trợ của bàn chải đánh răng. Lưu ý, không sử dụng các vật sắc nhọn như búi cọ sắt hay xơ mướp để vệ sinh sàn gạch vì sẽ làm bong bề mặt vật liệu, tạo thành các kẽ hở tích tụ bụi bẩn và vi trùng.
Sàn gỗ
Ván sàn gỗ toát lên vẻ đẹp trang nhã, sang trọng, mang tới cảm giác ấm áp cho ngôi nhà nên được sử dụng nhiều trong phòng ngủ, phòng khách. Tuy vậy, vật liệu này lại sợ nước nên phải rất cẩn trọng trong quá trình sử dụng. Khi vệ sinh sàn gỗ, bạn nên dùng máy hút bụi loại bỏ bụi, xơ, lông… sau đó lau lại bằng khăn ẩm. Tránh lau đi lau lại sàn gỗ nhiều lần vì sẽ làm trầy xước sàn.
Nên sử dụng máy hút bụi để vệ sinh sàn nhà bằng gỗ. Ảnh: Getty/Rawpixel
Trong quá trình sử dụng, nếu chẳng may làm đổ chất lỏng hay làm rơi thức ăn trên bề mặt sàn, cần lau bằng khăn khô ngay lập tức, tránh để nước ăn mòn, làm phồng rộp hay mốc sàn gỗ.
Sàn đá cẩm thạch
Việc lát sàn bằng đá cẩm thạch giúp mở rộng không gian một cách trực quan, mang tới bầu không khí mát mẻ, thoáng đãng. Kết cấu cũng như màu sắc khác nhau của mỗi viên đá còn góp phần thể hiện cá tính riêng của chủ nhân. Nhược điểm của vật liệu này là có nhiều lỗ rỗng nên dễ thấm nước. Do vậy, khi vệ sinh sàn nhà, bạn cần tránh lau chùi bằng nhiều nước. Ngoài ra, cũng nên tránh sử dụng các chất tẩy rửa có tính axit hoặc kiềm mạnh vì các thành phần này sẽ phản ứng với khoáng chất trong đá, làm ảnh hưởng đến màu sắc, chất liệu sản phẩm.
Lời khuyên ở đây là nên lựa chọn chất tẩy rửa trung tính khi lau rửa sàn. Bên cạnh việc vệ sinh hàng ngày, bạn nên tiến hành đánh bóng mặt đá bằng phương pháp chuyên nghiệp để sàn nhà luôn sáng đẹp và bền lâu.
Vệ sinh sàn nhựa
Ưu điểm của sàn nhựa là chịu được mài mòn, dễ lau chùi và bảo trì. Loại sàn này cũng đa dạng về mẫu mã, giá thành lại “mềm”. Do làm bằng nhựa nên không sợ mục hay bị hơi nước xâm nhập. Để vệ sinh sàn nhựa, bạn chỉ cần dùng máy hút bụi kết hợp cùng cây lau nhà. Lưu ý, chất liệu nhựa không chịu được axit hay kiềm mạnh, vậy nên cần tránh sử dụng chất tẩy rửa có tính axit hay kiềm cao.
Cách vệ sinh sàn nhà trải thảm
Nếu trong nhà trải thảm thì tốt nhất là hãy đầu tư một chiếc máy hút bụi để có thể vệ sinh sàn nhà mỗi ngày mà không nên dùng chổi quét nhà. Để làm sạch bề mặt thảm, loại bỏ nấm mốc và mùi hôi, hãy rắc một lớp mỏng bột baking soda lên trên bề mặt thảm, chờ khoảng 30 phút rồi dùng máy hút bụi hút sạch lớp bột này là được. Với những vết bẩn bám lâu ngày trên thảm, bạn có thể trộn giấm trắng với nước rửa bát và nước ấm theo tỉ lệ 1:1:2, dùng khăn thấm dung dịch này lên vết bẩn, chờ khoảng 30 phút, sau đó dùng bọt biển thẩm khô dung dịch và dùng máy sấy khô lại thảm.
Baking soda là trợ thủ đắc lực trong việc vệ sinh thảm trải sàn.
Sàn bê tông
Loại sàn này khá phổ biến ở nước ta bởi chi phí thấp, tuổi thọ dài và ít cần bảo trì. Để vệ sinh sàn bê tông, trước hết bạn cần quét hoặc hút bụi sàn để loại bỏ rác. Sau đó, hòa hóa chất tẩy rửa vào một xô nước ấm và bắt đầu cọ sàn nhà, bắt đầu từ các ngóc ngách rồi đến bên ngoài. Nhớ thay nước khi thấy nước đục. Cuối cùng, dùng vải mềm để lau khô sàn hoặc để sàn khô tự nhiên.