Dưới đây là câu chuyện bán căn hộ Hà Nội, chuyển hướng đầu tư đất nền tỉnh do độc giả Lê Đình Xuyên chia sẻ với TinNhaDatVN.Com.
Tôi năm nay 52 tuổi, sống ở thành phố trực thuộc tỉnh cách Hà Nội gần 100km. Tôi mở cửa hàng bán thiết bị điện, nước, thỉnh thoảng có vài khoản đầu tư ngắn hạn nếu thấy phù hợp. Vợ tôi là công chức nhà nước. Chúng tôi có con trai 25 tuổi và con gái 12 tuổi. Con trai ra Hà Nội học Đại học rồi ở lại tìm việc làm, chỉ còn vợ chồng tôi và con gái nhỏ sống ở quê.
Tôi là con út trong gia đình, trên có các anh chị đều rất thành đạt, kinh tế vững vàng. Có người định cư ở Hà Nội, khi con cái trưởng thành là mua nhà, mua xe cho con ở riêng. Có người cũng sống ở quê như tôi nhưng khi con đỗ Đại học là nhanh chóng tìm mua nhà Hà Nội để con không phải ở trọ. Tôi rất ngưỡng mộ các anh chị và mong muốn con mình cũng được như vậy. Khi con trai đỗ Đại học với kết quả tốt hơn mong đợi, tôi vô cùng tự hào và thầm lên kế hoạch phấn đấu mua nhà cho con dù kinh tế chưa thực sự dư dả. Mấy năm đi học, con trai tôi vẫn ở nhà trọ như phần lớn sinh viên tỉnh lẻ khác. Nhưng khi cháu ra trường, đi làm, tôi quyết định phải mua nhà Hà Nội cho con, tạo điều kiện tốt nhất để con vào đời.
Cuối năm 2018, sau vài tháng tìm kiếm, tôi dồn hết số tiền tích cóp được để mua căn hộ 74m2, 2 phòng ngủ ở Thanh Xuân với giá 2,4 tỷ. Thêm khoảng 100 triệu làm nội thất, tôi đã có căn hộ tiện nghi, hiện đại ở thủ đô. Con trai trả phòng trọ, chuyển về ở nhà mới. Chung cư tôi mua cách nơi làm việc của con chỉ 3km nên đi lại rất thuận tiện. Hoàn thành mục tiêu mua nhà cho con, tôi thấy mãn nguyện, tin rằng chốn “an cư” này sẽ giúp con “lạc nghiệp” và xây dựng hạnh phúc trong tương lai. Cuối tuần rảnh rỗi, vợ chồng tôi lại đưa con gái lên Hà Nội thăm con trai. Có nhà ở đây, tôi có thể thoải mái đi chơi hay giải quyết công việc, không vội về ngay trong ngày hoặc phải ngủ nhờ nhà người thân qua đêm như trước.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Mua nhà Hà Nội được hơn 1 năm thì việc kinh doanh của tôi gặp nhiều khó khăn. Cửa hàng thiết bị điện, nước chịu cạnh tranh khốc liệt từ các bên mới mở, trường vốn hơn tôi. Hàng nhà tôi bán chậm, doanh thu thấp, lợi nhuận giảm mạnh. Đau đầu nhất là chuyện hai lô hàng lớn nhập về bị lỗi, kém chất lượng nên khách hàng phàn nàn đòi bồi thường. Đối tác “lặn mất tăm”, để mình tôi chật vật tìm cách giải quyết. Trước đó, tôi còn vay anh cả 400 triệu để góp vốn kinh doanh homestay với nhóm bạn. Đến khi khu homestay xây xong, vừa bắt đầu kinh doanh thì “bão” Covid ập đến, không có khách Tây nên chỉ hoạt động cầm chừng, thu chẳng bù được chi. Họa vô đơn chí, sau nhiều ngày ngược xuôi lo chuyện kinh doanh, tôi bị suy nhược cơ thể, bệnh cũ tái phát, phải nhập viện điều trị.
Ba tuần tôi nằm viện, vợ phải xin nghỉ việc cơ quan, gửi con cho ông bà ngoại để đi chăm tôi. Cửa hàng cũng tạm đóng cửa, không có doanh thu. Sau loạt biến cố, tôi nghiệm ra nhiều điều. Có người nói tôi mua nhà năm không hợp tuổi nên gặp vận xui, mất lộc làm ăn. Tôi không mê tín nhưng thực sự tin rằng mua nhà không phải là quyết định sáng suốt. Khả năng tài chính chưa đảm bảo nhưng chỉ vì muốn con được “bằng anh bằng em” nên tôi vẫn cố mua nhà, dồn hết tiền tiết kiệm, ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh. Tôi mua nhà cho con nhưng thực tế nhu cầu chỗ ở của con tôi không nhiều, có khi để nhà trống cả nửa tháng vì đi công tác.
Tôi bán căn hộ Hà Nội, chuyển hướng đầu tư đất quê nền ở quê. Ảnh: NVCC
Tôi thấy mình dần có tuổi, sức khỏe giảm sút, đầu óc kinh doanh, đầu tư cũng không còn nhanh nhạy. Vợ tôi cũng chỉ vài năm nữa là về hưu với đồng lương khiêm tốn, chỉ đủ sinh hoạt cơ bản và lo bệnh vặt tuổi già, không mong dư dả. Con trai đã trưởng thành, có thể tự lập nhưng con gái còn nhỏ, nếu chúng tôi không may đau ốm hay gặp biến cố lớn thì rất không yên tâm về con. Đã dồn hết tiền mua căn hộ cho con trai, tôi cảm thấy con gái sẽ thiệt thòi. Hai đứa cách nhau nhiều tuổi nên khi con gái vào đại học, con trai có thể đã lấy vợ. Khi ấy, anh em ở chung cũng bất tiện mà tôi bán căn hộ đi, chia cho hai đứa cũng không hợp lý vì căn hộ qua nhiều năm sẽ mất giá. Trước thực tế này, vợ chồng tôi bàn bạc, quyết định bán căn hộ để giải quyết hết nợ, tháo gỡ khó khăn kinh doanh. Chúng tôi chỉ băn khoăn chuyện bán căn hộ có thể làm con trai hụt hẫng vì đang có chỗ ở đàng hoàng lại phải ra thuê trọ. Nhưng may mắn con tôi hiểu chuyện, vui vẻ chấp nhận. Tôi động viên con cố gắng tự lập, bố mẹ chỉ ủng hộ và hỗ trợ phần nào chứ không bao bọc, “dọn sẵn” nữa.
Cuối năm 2020, tôi bán căn hộ được 2,75 tỷ. Tòa chung cư sau khi bàn giao, đi vào vận hành đảm bảo chất lượng công trình, dịch vụ nên tăng giá khá tốt. Vì nhà tôi còn mới, đầu tư nội thất loại khá nên dễ bán, chỉ 2 tháng đăng tin rao đã có người mua. Với số tiền này, tôi trả hết nợ, mua 2 mảnh đất gần nhà tổng giá 1,6 tỷ, vẫn còn vài trăm triệu làm vốn lưu động và phòng khi bất trắc. Tôi tính bao giờ con trai lấy vợ, mua nhà sẽ bán 1 miếng lấy tiền hỗ trợ con, còn 1 miếng để dành cho con gái. Như vậy, tôi đã có thể yên tâm “nhẩn nha” kiếm tiền, chăm lo sức khỏe, chuẩn bị cho tuổi già của hai vợ chồng, không phải chịu nhiều áp lực nợ nần, kinh doanh nữa.
Có người lại nói tôi quyết định vội vàng, mới gặp chút khó khăn đã vội bán nhà. Họ phân tích rằng giá nhà Hà Nội không ngừng tăng, tôi đã mua được khi giá còn mềm mà lại bán, sau này con tôi sẽ phải vất vả mới mua được. Tôi không dám khẳng định quyết định bán nhà là đúng hay sai về lâu dài, nhưng ở hoàn cảnh lúc đó, tôi tin mình đã làm đúng. Hơn nữa, 2 miếng đất tôi mua đầu tư tăng giá tốt, hiện giá thị trường đã lên gần 2 tỷ. Con trai tôi còn trẻ, vẫn độc thân, có thể phải 3-5 năm nữa mới lập gia đình. Đến lúc đó, tôi tin rằng giá đất sẽ còn tăng, con tôi cũng đã có chút tích lũy để tự lên kế hoạch mua nhà cho riêng mình. Sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ chỉ giúp con tự tin hơn, còn lại con phải tự quyết định và chịu trách nhiệm chính.
Hi vọng câu chuyện của tôi sẽ là một bài học kinh nghiệm cho người mua, bán bất động sản tham khảo trước khi ra quyết định. Nên “liệu cơm gắp mắm”, đừng mua nhà theo cảm tính, vượt quá khả năng tài chính của mình. Khi thấy sai, hãy mạnh dạn sửa ngay, đừng tiếc rẻ hay sợ “xấu mặt” mà cố bám lấy căn nhà để rồi chịu áp lực. Biết đâu thay đổi một chút, ta lại tìm được phương án đầu tư tốt hơn thì sao?
Lan Chi (biên tập)
>> Vợ chồng 9X kể chuyện “tay mơ” đầu tư đất nền và bài học chốt lời trong sốt đất
>> Kinh nghiệm mua đất nền dự án: 6 lời khuyên cho nhà đầu tư mới vào thị trường