Sau 5 năm sống tại khu chung cư cũ với nhiều bất tiện, nghe một số người quen mách, anh Thịnh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) lên một số trang rao bán bất động sản tìm mua nhà phố giá rẻ. Anh bị thu hút ngay bởi một tin rao bán gấp căn nhà 3 tầng khá khang trang, nội thất đầy đủ (có kèm ảnh chụp ngôi nhà) ở quận Hà Đông với giá 1,5 tỷ đồng. Căn nhà được quảng cáo có vị trí nằm gần mặt đường lớn, gần chợ, trường tiểu học, có sổ đỏ… Thấy căn nhà quá ổn, giá lại hời anh liền liên hệ với người bán để tới xem nhà. Tuy nhiên, khi đến nơi thì đây chỉ là căn nhà rất cũ, gồm 2 tầng và 1 gác lửng, không giống với ảnh chụp. Con ngõ đi vào cũng chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau chứ không hề rộng “4 mét, ô tô đỗ tận cửa” như thông tin trên quảng cáo.
“Hơn nữa sau khi gặp người bán tôi mới vỡ lẽ giá 1,5 tỷ đồng là tiền đặt cọc 50% chứ không phải giá bán cả căn nhà. Thắc mắc về thông tin quảng cáo trên website kia thì chủ nhà trả lời tỉnh bơ “nhà 3 tầng mặt đường lớn thì đào đâu ra giá đó”. Mất thời gian lặn lội đến tận nơi xem, cuối cùng tôi phải ngậm ngùi ra về. Sau đó, tôi có đi xem một số căn quảng cáo “giá rẻ bất ngờ” nữa nhưng cũng gặp cảnh tương tự”, anh Thịnh chia sẻ.
Người mua cần sàng lọc và tìm hiểu kỹ thông tin, đặc biệt cần đặt nghi vấn đối với
những tin rao có giá bán quá hời. Ảnh minh họa
Một trường hợp khác, khi đọc thông tin quảng cáo chính chủ cần bán gấp nhà 50m2, mặt tiền 5,5m, ngõ đẹp rộng với giá chỉ 1,3 tỷ đồng ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, anh Đông (Hà Nội) liên hệ ngay với người bán và hẹn lịch xem nhà. Dù đã được người bán chỉ đường nhưng phải lòng vòng rất lâu anh mới tìm được bởi ngôi nhà nằm sâu trong làng lại phải vòng vèo qua mấy ngõ nhỏ. Đến nơi anh Đông mới “té ngửa” vì thực tế ngôi nhà và những thông tin quảng cáo khác xa nhau “một trời một vực”.
Khi anh đề nghị được xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người này đưa ra tờ giấy chứng nhận phô tô với tên người đứng trên giấy là người khác. Anh Đông thắc mắc thì người này nói rằng mình mua nhưng chưa sang tên. Quanh co một hồi anh ta mới thừa nhận là môi giới chứ không phải chủ nhà. Anh ta cũng nói thêm giá bán kia là đăng từ tháng 12 năm ngoái còn hiện tại ngôi nhà có giá 1,9 tỷ đồng.
“Thấy tôi tỏ thái độ bức xúc vì quảng cáo không đúng sự thật, “cò” đất này cố tình lảng tránh, lái sang câu chuyện khác và cho biết nếu tôi không mua thì xin phép chạy đi có việc, vì… có khách khác đang gọi”, anh Đông kể.
Thực tế, không chỉ có anh Thịnh, anh Đông mà rất nhiều người có nhu cầu mua nhà đã từng gặp phải trường hợp tương tự.
Hiện nay, để đăng một mẩu tin rao bán nhà đất lên các trang mạng khá nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, các trang tin, website cũng rất khó để có thể xác thực thông tin mà người bán đăng tải nên người mua cần chủ động hỏi kỹ thông tin từ phía người bán trước khi quyết định đến xem.
Đa số những mẩu tin đăng đó đánh vào tâm lý ưa chuộng giá rẻ, cả tin và thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về thị trường nhà đất của người mua. Những chiêu đăng tin dụ khách thường gặp nhất là: Sai địa chỉ, vị trí (VD: rao vị trí nhà đất cách công viên Yên Sở 2km nhưng là 2km đường... chim bay, thực tế đoạn đường đi phải là 5-7km); Hình ảnh không đúng thực tế (những hình ảnh nhà lung linh trên tin đăng thực chất là của một căn nhà khác và chỉ có tính chất minh họa); Giá “ảo” (trên tin đăng giá bán rất thấp, nhưng thực chất đó chỉ là giá 1/2 hoặc 1/3 của ngôi nhà); Giấy tờ mập mờ (sổ giả, sổ hồng – sổ đỏ đã mang đi cầm cố hoặc đứng tên người khác)…
Theo lời khuyên của các chuyên gia, để tránh mất thời gian và công sức đi xem nhà không cần thiết, trước tiên người mua cần sàng lọc và tìm hiểu kỹ thông tin. Đặc biệt cần đặt nghi vấn đối với những tin rao có giá bán quá hời. Thứ hai, cần tìm đến các website bất động sản uy tín có nhiều tin rao chính chủ để tránh rủi ro và mất thời gian với ma trận thông tin giả.
D.Minh
http://thanhnienviet.vn/2020/02/07/tinh-tao-truoc-nhung-quang-cao-rao-ban-nha-dat-gia-re-tren-mang